Thứ Hai, 12/03/2018 | 14:13

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu thai kỳ. Có thể là do thiếu máu giả, thiếu máu nguyên nhân do hồng cầu, thiếu máu do thiếu dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt hay thiếu máu do tan huyết v.v. Điều này lý giải tại sao bạn luôn phải làm xét nghiệm máu khi khám thai, nhất là vào tam cá nguyệt thứ nhất và lúc thai 20 tuần.

Phòng ngừa thiếu máu dễ dàng hơn rất nhiều so với việc chữa bệnh thiếu máu. Ngay cả khi chế độ ăn đầy đủ thì phụ nữ mang thai vẫn có thể thiếu máu như thường. Do đó việc đến gặp bác sĩ khám thai định kì là rất cần thiết.

Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hay còn gọi là huyết sắc tố trong máu. Tủy xương chịu trách nhiệm sản xuất và bổ sung những tế bào đặc biệt này mỗi 120 ngày. Và vì chúng đảm nhận vai trò cung cấp oxy cho toàn cơ thể, nên hai dấu hiệu đầu tiên của thiếu máu do thiếu sắt là khó thở và mệt mỏi.

Các yếu tố nguy cơ khác gây thiếu máu khi mang thai:

– Mang song thai hoặc đa thai

– Có khoảng cách sinh con gần nhau

– Không hấp thu được sắt

– Nôn nhiều do ốm nghén

– Ra nhiều kinh nguyệt ở kỳ kinh trước khi mang thai

Thiếu máu xảy ra như thế nào?

– Nồng độ huyết sắc tố trong máu ở mẹ có thể giảm rất đột ngột do nhu cầu tăng trưởng của bé.

– Sự gia tăng thể tích máu trong thai kì cũng gây thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố giảm do bị pha loãng so với bình thường.

– Chế độ ăn uống ít chất sắt. Thực đơn ăn kiêng hà khắc, hoặc chỉ ăn các loại thức ăn năng lượng thấp đều có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến thiếu máu.

– Bà bầu nhẹ cân khi bắt đầu mang thai hoặc bà bầu nghén nặng sẽ có nguy cơ thiếu máu cao hơn những bà bầu khác.

– Các loại mất máu như doạ sẩy thai, xuất huyết trước sinh hoặc các loại xuất huyết khác đều có thể là nguyên nhân của thiếu máu.

– Nguy cơ thiếu máu cao hơn nếu mang đa thai.

– Thời gian để nguồn sắt dự trữ tái bổ sung sẽ không đủ nếu thai kì lần này quá gần lần sảy thai trước.

– Các bệnh lý mạn tính có liên quan đến máu cũng là nguyên nhân gây ra thiếu máu.

Dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu

– Da tái xanh, yếu ớt.

– Hồi hộp, đánh trống ngực.

– Thở nhanh

– Khó thở

– Cảm thấy khó chịu, dễ bực tức.

– Hoa mắt, chóng mặt, dễ ngất

– Dễ nhiễm bệnh.

– Thèm ăn những thứ khác thường như vôi, đất sét

–  Cảm giác mệt mỏi như leo cầu thang cao hoặc đi bộ nhanh.

– Ể oải

– Thường cảm thấy đau đầu.

– Phần niêm mạc trong mi mắt dưới sẽ hồng nếu lượng hồng cầu bình thường và sẽ nhợt nhạt nếu thiếu máu.

Điều trị thiếu máu khi mang thai

– Hiện nay có nhiều loại vitamin tổng hợp cho phụ nữ mang thai có chứa sắt. Do đó uống vitamin tổng hợp có chứa sắt sẽ giúp phòng và điều trị thiếu máu khi mang thai. Bác sĩ cũng thường kê Ferrous Sulphate cho các bà bầu có nguy cơ thiếu máu.

– Bổ sung axit folic. Có thể phối hợp với bổ sung sắt

– Bổ sung vitamin B12 dạng viên hoặc bổ sung qua chế độ ăn. Nguồn dinh dưỡng nhiều B12 là các thực phẩm như trứng, thịt và sữa.

– Bổ sung vitamin C cũng cần thiết cho quá trình hấp thu sắt.

– Thức ăn là nguồn cung cấp vitamin C lý tưởng. Tuy nhiên, vitamin C sẽ tan trong nước chứ không dự trữ lâu trong cơ thể. Nếu chọn phương pháp bổ sung vitamin C qua chế độ ăn, bạn nên đảm bảo ngày nào cũng có thực phẩm giàu vitamin C trong bữa ăn.

– Tăng cường sắt qua chế độ ăn uống. Có 2 loại sắt: heme iron là sắt có nhiều trong các loại thịt nhất là thịt đỏ và non-heme iron được tìm thấy trong rau xanh như bông cải xanh, cải đường, đậu…

– Nếu bà bầu có nồng độ sắt quá thấp, có thể bổ sung sắt bằng cách tiêm hoặc đôi khi phải truyền máu.

Nồng độ sắt sẽ trở về bình thường trong vòng vài tuần sau khi điều trị. Nếu không bạn sẽ phải làm thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân khác gây thiếu máu. Ngay cả sau sinh, bạn vẫn nên bổ sung chất sắt vì lúc sinh mất máu khá nhiều. Bạn nên làm lại xét nghiệm máu vào thời điểm 6 tuần sau sinh.

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu thai kỳ

Bài liên quan: Những dấu hiệu của bệnh thiếu máu bạn cần biết

Bs.Ths Nguyễn Thu Hồng – BV Phụ sản HN

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook