Thứ Hai, 16/09/2024 | 16:35

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một loại nhiễm trùng rất phổ biến ở hệ tiết niệu, nếu không được phát hiện và điều trị dứt điểm, tình trạng viêm nhiễm có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết…

Phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu              

Trước khi đưa ra phác đồ điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh chính xác nhất:

1/ Xét nghiệm nước tiểu

Bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu nước tiểu của người bệnh để phân tích trong phòng thí nghiệm nhằm tìm ra tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc vi khuẩn để từ đó đưa ra những chuẩn đoán chính xác nhất về tình trạng cùng những nguy cơ, biến chứng của bệnh.

1.1/ Cách lấy mẫu nước tiểu

Mẫu nước tiểu được thu thập đúng cách là rất quan trọng đối với quá trình xét nghiệm. Để có được một mẫu nước tiểu sạch, đầu tiên người bệnh nên bắt đầu dòng nước tiểu để làm sạch niệu đạo sau đó lấy mẫu giữa dòng nhờ đó hạn chế lấy phải những tế bào mô bộ phận sinh dục, gây nên những sai lệch trong kết quả xét nghiệm.

Việc tiếp xúc giữa dòng nước tiểu với niêm mạc nên được giảm thiểu bằng cách mở rộng môi lớn ở nữ giới và kéo ra phía sau lớp da bao quy đầu ở nam giới. 5 mL nước tiểu đầu tiên không lấy; 5-10 mL tiếp theo được thu thập trong một lọ bệnh phẩm vô khuẩn. Trước khi thực hiện lấy mẫu nước tiểu, người bệnh nên rửa lỗ niệu đạo ngoài bằng xà phòng không có tác dụng sát khuẩn sau đó lau khô.

Nếu nghi ngờ bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), cần lấy phiến đồ dịch niệu đạo để xét nghiệm trước khi đi tiểu, sau đó mới lấy mẫu nước tiểu. Nước tiểu phải được gửi ngay đến phòng xét nghiệm hoặc được làm lạnh vì vi khuẩn sẽ sinh sôi khi mẫu được để ở nhiệt độ phòng, gây ra việc ước tính quá cao số lượng vi khuẩn và mức độ nghiêm trọng.

Với những bệnh nhân bị béo phì, phụ nữ lớn tuổi, bị hành kinh hoặc khí hư âm đạo, lấy mẫu nước tiểu bằng cách sử dụng ống thông nước tiểu là lựa chọn tối ưu nhất. Ở trẻ nhỏ và bệnh nhân bị chấn thương tủy sống, có thể cần phải hút dịch trên xương mu để lấy mẫu nước tiểu phù hợp.

1.2/ Phương pháp phân tích mẫu nước tiểu

Các phương pháp phân tích mẫu nước tiểu thường được dùng là:

+ Xét nghiệm vi thể bằng kính hiển vi: Hữu ích nhưng không có tính chẩn đoán xác định. Tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn và/hoặc tế bào bạch cầu (WBC) trong nước tiểu khi phân tích nước tiểu.

+ Kiểm tra bằng que thử: Tất cả nước tiểu đều phải được xét nghiệm bằng que nhúng, có thể thực hiện tại phòng khám hoặc tại giường bệnh. Các giá trị que thử hữu ích nhất để chẩn đoán là pH, nitrit, esterase bạch cầu và máu.

+ Nuôi cấy vi khuẩn trong nước tiểu ở phòng thí nghiệm: Nên nuôi cấy nước tiểu ở tất cả nam giới, bệnh nhân tiểu đường, người suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai. Xét nghiệm này cho bác sĩ biết loại vi khuẩn nào gây nhiễm trùng, nhờ đó có thể cho bác sĩ biết loại thuốc nào sẽ có hiệu quả nhất.

2/ Những phương pháp chuẩn đoán khác

Một số phương pháp xét nghiệm có thể giúp chuẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là:

+ Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.

+ Điện giải đồ.

+ lactate, urê máu, creatinine.

+ Xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT).

+ Siêu âm.

+ Soi bàng quang.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị tốt nhất cho nhiễm trùng đường tiết niệu. Sức khỏe của người bệnh và loại vi khuẩn tìm thấy trong nước tiểu sẽ quyết định loại thuốc nào được sử dụng và cần dùng thuốc trong bao lâu.

Khi nhận được thuốc kháng sinh, điều rất quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn sử dụng thuốc. Hãy chắc chắn uống hết liều thuốc kháng sinh, ngay cả khi các triệu chứng của bệnh đã biến mất, nếu không uống hết thuốc, tình trạng nhiễm trùng có thể tái phát và khó điều trị hơn.

Những loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

+ Nitrofurantoin: Là lựa chọn hàng đầu cho điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng kìm khuẩn chứ không có tác dụng diệt khuẩn, tình trạng kháng thuốc tương đối hiếm. Được ưu tiên dùng để dự phòng liều thấp dài hạn ở những bệnh nhân bị tái phát.

+ Thuốc Amoxicilin: Thuốc có thể làm xuất hiện một số tình trạng như dị ứng, tiêu chảy, sốt, khí hư bất thường, ngứa hoặc có mùi âm đạo.

+ Fosfomycin: Có tính kháng khuẩn đáng kể, một liều đơn sẽ cung cấp nồng độ điều trị trong 2 đến 4 ngày và tương đương với liệu pháp kéo dài 7 đến 10 ngày với các tác nhân khác.

+ Doxycycline: Dùng thuốc kháng axit và các sản phẩm có chứa nhôm, canxi, magiê, sắt và kẽm vào thời điểm khác trong ngày so với thời điểm dùng thuốc này.

+ Sulfamethoxazole/trimethoprim: Có tỉ lệ kháng thuốc cao. Không nên sử dụng nếu tình trạng kháng thuốc tại chỗ của vi khuẩn >20% hoặc ở những bệnh nhân bị dị ứng sulfa.

+Nhóm thuốc kháng sinh Cephalosporin, chẳng hạn như cephalexin: Không nên lạm dụng để tránh tình trạng kháng thuốc.

+ Nhóm thuốc kháng sinh fluoroquinolones, chẳng hạn như ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin: Trong một số trường hợp tình trạng nhiễm trùng diễn tiến phức tạp hoặc nhiễm trùng ở thận, bác sĩ có thể kê đơn thuốc fluoroquinolone, nếu không có lựa chọn điều trị nào khác.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Người bị bệnh viêm bàng quang nên và không nên ăn gì?

Những điều ít ai biết về tiểu không tự chủ

Chuẩn đoán và điều trị bệnh tiểu không tự chủ

Làm gì khi chó mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu?

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook