Thứ Sáu, 24/05/2019 | 10:30

Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, thường xuyên bị kích thích và co bóp ngay cả khi chưa đầy nước tiểu, tạo cảm giác buồn đi tiểu liên tục. Người bệnh thường có cảm giác bất chợt muốn đi tiểu, khó cưỡng lại việc thôi thúc cần phải đi tiểu ngay. Thậm trí phải đi tiểu nhiều lần trong đêm, đôi lúc són tiểu theo sau cảm giác tiểu gấp.

Điều quan trọng cần lưu ý là phải loại trừ nhiễm khuẩn niệu, các tổn thương bệnh lý tại chỗ hoặc các tác nhân chuyển hóa kèm theo có thể gây nên các triệu chứng nêu trên như: hội chứng đường tiểu dưới (LUTS); các bệnh nội khoa: đái tháo đường, suy tim ứ huyết, các bệnh thần kinh, chứng táo bón mạn tính…; các thuốc đang sử dụng: lợi tiểu, chống trầm cảm, hạ áp…; thói quen ăn uống: uống cà phê nhiều, uống nước quá nhiều…

Ở những người bệnh tiểu không kiểm soát, cần phân biệt 3 loại chính: tiểu không kiểm soát gấp, tiểu không kiểm soát khi gắng sức và tiểu không kiểm soát hỗn hợp. Việc phân biệt là quan trọng vì ảnh hưởng đến điều trị: Tiểu không kiểm soát gắng sức được điều trị chủ yếu bằng ngoại khoa, trong khi tiểu không kiểm soát gấp được điều trị chủ yếu bằng nội khoa.

Các phương pháp điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt động quá mức

Điều trị bàng quang tăng hoạt theo 3 bước:

+ Các biện pháp thay đổi hành vi,

+ Dùng thuốc

+ Các biện pháp can thiệp khi kháng thuốc.

Thay đổi hành vi người bệnh

Các liệu pháp hành vi được xem là bước điều trị trước tiên cho bàng quang tăng hoạt. Ngoài ra, liệu pháp hành vi có thể kết hợp với sử dụng thuốc kháng muscarnics. Các biện pháp thay đổi hành vi gồm có:

+ Giúp người bệnh hiểu thế nào là bàng quang có chức năng bình thường và thế nào là bất thường.

+ Hướng dẫn người bệnh viết “nhật ký đi tiểu”.

+ Tập đi tiểu theo giờ: Hướng dẫn bệnh nhân khoảng thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 3 – 4 giờ và không nhất thiết cứ phải đi tiểu mỗi khi có cảm giác khác lạ trong bàng quang.

+ Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế một số thức ăn và thức uống có tính lợi tiểu hoặc gây kích thích bàng quang: caffeine, bia rượu, thức uống có đường…

+ Điều chỉnh lượng nước uống: Điều chỉnh lượng nước uống vào của người bệnh theo điều kiện làm việc và sinh hoạt của họ.

+ Các kỹ thuật tập luyện: tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp; tập luyện bàng quang; tập co thắt cơ sàn chậu (có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu để điều trị tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát).

Các biện pháp dùng thuốc

Các thuốc kháng muscarinics có tác dụng làm giảm sự co bóp của cơ chóp bàng quang. Các thuốc kháng muscatinics đã được thử nghiệm lâm sàng và chứng minh là có hiệu quả tốt trong điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có darifenacin, fesoterodine, oxybutynin, solifenacin, tolterodine và trospium. Tác dụng ngoại ý của các thuốc kháng muscarinics là khô miệng, mờ mắt, nóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh, khó tiêu, táo bón…

Một số thuốc cũng có hiệu quả lên bàng quang tăng hoạt, tuy nhiên cơ chế chưa rõ ràng: flavoxate, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (imipramine, amitryptyline, duloxetine), alpha-adrenergic antagonist (tamsulosin, alfuzosin, doxazosin…)

Thuốc mới mirabegron: Cơ chế tác động lên β3 adrenergic receptor trong cơ chóp bàng quang, có tác dụng giãn cơ và gia tăng dung tích bàng quang. Ở Việt Nam hiện chưa có thuốc mới này.

Các biện pháp can thiệp khi kháng thuốc hoặc không dung nạp thuốc

Tiêm onabotulinumtoxin A vào bàng quang.

Chỉ định tiêm iêtm onabotulinumtoxin A vào bàng quang

Phương pháp tiêm onabotulinumtoxin A vào bàng quang được chỉ định khi bàng quang tăng hoạt nguyên phát hoặc bàng quang có nguồn gốc thần kinh tăng hoạt kháng trị với thuốc kháng muscarine hoặc không dung nạp với tác dụng không mong muốn của các thuốc kháng muscarine.

+ Kích thích thần kinh cùng:

Đây là phương pháp cấy các dây điện cực vào rễ thần kinh cùng S3, nối với một máy tạo nhịp đặt dưới da vùng mông, qua đó kích thích thần kinh cùng để điều hòa các phản xạ thần kinh chi phối cơ chóp bàng quang và cơ đáy chậu. Phương pháp này được chỉ định để điều trị tình trạng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang hay các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt như tiểu gấp không kiểm soát hay tiểu gấp – tiểu nhiều lần mà đã kháng trị với dùng thuốc.

+ Kích thích thần kinh chày:

Hiệu quả điều trị thành công khoảng 54,9 – 79,5%, tuy nhiên đây là phương pháp điều trị ít xâm hại, ít tác dụng phụ và dễ được chấp nhận.

Chống chỉ định tiêm onabotulinumtoxin nhóm A vào thành bàng quang

– Nhiễm trùng tiết niệu (viêm bàng quang)

– Bệnh lý dễ chảy máu

– Bất thường đường tiết niệu dưới

Mở rộng bàng quang bằng ruột:

Phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng ruột được chỉ định trong những trường hợp bàng quang có dung tích co nhỏ, rối loạn chức năng bàng quang với độ giãn nở kém. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật nặng nề và tỉ lệ bệnh nhân phải chịu thông tiểu sạch cách quãng khá cao (10 – 75%, trong đó những bệnh nhân có bệnh lý do nguyên nhân thần kinh thường có tỉ lệ cao hơn), nên mở rộng bàng quang bằng ruột chỉ áp dụng trong những trường hợp không thành công khi đã áp dụng những biện pháp ít xâm hại hơn.

Yhocvn.net (Trích theo hướng dẫn của ThS.BS. Phạm Hữu Đoàn và hướng dẫn điều trị bàng quang tăng hoạt động của BYT)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook