Chủ Nhật, 19/08/2018 | 10:42

Cho máu có hại cho sức khỏe không?

Trong các phòng cấp cứu, trên bàn phẫu thuật hay có khi trong phòng điều trị, để giúp một bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy nan của bệnh tật trở lại với trạng thái bình thường, các nhân viên y tế thường phải tiếp máu cho họ.

Khối lượng máu lớn như vậy được lấy từ đâu ? Từ những người hiến máu. Chính nhờ những hành động tốt đẹp đó mà nhiều bệnh nhân đã qua khỏi hiểm họa trở về với cuộc sống hàng ngày.

Có lẽ có người sẽ hỏi: thế cho máu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người cho?

Máu – là do huyết tương và các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu,… hợp thành. Những thanh niên khỏe mạnh lượng máu trong cơ thể chiếm khoảng 1/13 (7 – 8%) trọng lượng cơ thể (ví dụ một người nặng 50 kg có lượng máu khoảng 3.800 ml). Hoạt động của quá trình trao đổi chất trong máu rất dồi dào, tuổi thọ bình quân của hồng cầu là 120 ngày, của bạch cầu 13 ngày hoặc vài tuần. Còn tiểu cầu khoảng 6 đến 9 ngày sẽ bị yếu dần, mất đi sức sống rồi bị phá vỡ, do đó các tiểu cầu mới luôn bổ sung thay thế. Cho nên, trong cơ thể con người bình thường hàng ngày đều có một lượng nhất định tế bào máu chết đi và lại có một lượng nhất định tế bào máu được sản sinh ra.

Một người khỏe mạnh, trong một lần lượng máu lấy đi nếu không vượt quá 10% tổng lượng máu cơ thể thì không có gì ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe. Bởi ngay sau đó, lượng máu 10% mất đi ấy sẽ được bù bằng lượng máu tuần hoàn, trước tiên từ trong các kho chứa máu (gan, phổi, khoang bụng, tĩnh mạch chủ, nhóm tĩnh mạch dưới da). Sau đó, huyết tương thủy phân cùng với muối vô cơ trong vòng từ một đến hai tiếng đồng hồ sẽ bổ sung cho máu.

Chất protein trong dung dịch huyết tương trong vòng một đến hai ngày có thể hoàn toàn trở lại bình thường, chỉ có số lượng hồng cầu và các huyết tố khác là khôi phục tương đối chậm, cần khoảng một tháng. Do vậy người khỏe mạnh một lần cho máu từ 200 đến 300 ml không hề có hại gì cho sức khỏe. Đương nhiên, nếu lấy máu quá nhiều, vượt quá 20% sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rõ ràng.

Một ngày trước khi cho máu, thời gian ngủ phải đảm bảo đầy đủ, sau khi cho máu phải sắp xếp nghỉ ngơi một ngày. Nếu thấy trong người không được khỏe, bị ho, viêm họng, ỉa chảy, sốt nóng, phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, nên tạm thời ngừng việc cho máu. Sau khi cho máu, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi chất, hình thành máu nên nghỉ ngơi và bồi dưỡng thích đáng.

Yhocvn.net (Theo unicef)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook