Thứ Năm, 23/08/2018 | 16:26

Khi người bị bệnh tăng huyết áp có dấu hiệu suy tim, đau đầu, đột quỵ, huyết áp tâm thu > 220 mmHg và huyết áp tâm trương > 120 mmHg các bác sĩ cần chẩn đoán và cấp cứu cơn tăng huyết áp một cách nhanh nhất tránh biến chứng có nguy cơ đe dọa tử vong.

  1. CƠN TĂNG HUYẾT ÁP KỊCH PHÁT

Chẩn đoán

+ Có cơn tăng huyết áp đột ngột

+ Huyết áp tâm thu > 220 mmHg và huyết áp tâm trương > 120 mmHg

Cấp cứu

+ Lasix ống 20mg tiêm tĩnh mạch 2 ống, sau 4 giờ có thể cho lại. Nếu đã cho 3 lần không có kết quả thì ngừng.

+ Adalat gel 10mg, dùng 1 nang nhỏ dưới lưỡi 3-5 giọt, sau 15 phút đo lại huyết áp nếu vẫn còn cao nhỏ tiếp 3 giọt, tiếp tục cho đến khi huyết áp tâm thu xuống 160 mmHg, cho niphedipin viên nén 10mg uống 1 viên, hoặc amlor viên 5mg uống 1 viên để duy trì huyết áp.

+ Hoặc cho reserpin ống 2,5mg (chú ý hàm lượng ống gấp 10 lần hàm lượng viên) tiêm bắp thịt 1/3 – 1/4 ống. Nếu sau 2 giờ huyết áp chưa xuống thì tiêm tiếp. Dạng viên 0,25 mg cho uống 2 viên một lần.

Phải theo dõi huyết áp, duy trì huyết áp trong khoảng 140 – 160/90 mmHg. Nếu huyết áp tụt phải sử trí nâng huyết áp bằng:

+ Ouabain 1/4mg ´ 1 ống

+ Isupren 20mg ´ 1 ống

Pha một trong hai thuốc trên vào 250ml glucose 5%, truyền tĩnh mạch 30 giọt/phút.

+ Kali clorua 10% ´ 5ml uống, hoặc panalgin tiêm tĩnh mạch chậm 1 ống.

  1. TĂNG HUYẾT ÁP ÁC TÍNH

Chẩn đoán

+ Người tăng huyết áp không thường xuyên: huyết áp tâm trương > 130 mmHg, người tăng huyết áp thường xuyên: huyết áp tâm trương > 140 mmHg.

+  Có hội chứng não do tăng huyết áp: đau đầu dữ dội, đột quị, xuất huyết

+ Suy tim trái cấp: khó thở, hen tim, phù phổi cấp

+  Đáy mắt tổn thương độ 3 (xuất tiết, xuất huyết), độ 4 (phù gai thị)

+  Suy thận cấp tính

+  Phình bóc tách, vỡ quai động mạch chủ, động mạch chủ ngực

+  Xuất huyết thuộc hệ động mạch cảnh ngoài: chảy máu mũi…

Cấp cứu

– Phác đồ 1 (dùng nhóm thuốc giãn mạch)

+ Diasocit 150mg  pha trong 150ml dung dịch glucose 5%, truyền tĩnh mạch trong 3 phút. Cho lại sau 2 đến 12 giờ.

+ Sodium prussit 60 mg pha trong 150ml dung dịch glucose 5%, truyền tĩnh mạch 0,5 mg/kg/phút.

– Phác đồ 2 (dùng thuốc chẹn dòng calci tác dụng nhanh)

+ Adalat 0,1 mg/kg thể trọng ngậm dưới lưỡi, khi tan hết truyền 0,1 mg/kg/25 phút

+ Sau đó truyền hydralazin 0,1 mg/kg/25 phút

– Điều trị duy trì

Hydralazin 25 – 50 mg tiêm bắp, hoặc pha trong 100ml dung dịch glucose 5% truyền tĩnh mạch 20 giọt/phút.

  1. Cơn tăng huyết áp được chi ra thành:

+ Tăng huyết áp khẩn cấp (urgency)

+ Tăng huyết áp cấp cứu (emergency)

+ Tăng huyết áp gia tăng ác tính (accelerated malignant)

Ba loại trên phải có cơn đột ngột với huyết áp tâm trương > 120 mmHg.

– Về quan niệm

Tăng huyết áp khẩn cấp là cơn tăng huyết áp không kèm triệu chứng tổn thương cơ quan đích, tiến triển cấp tính. Huyết áp có thể được giảm dần trong vòng 24 – 48 giờ khi dùng thuốc bằng đường uống.

Tăng huyết áp cấp cứu là cơn tăng huyết áp kèm theo tổn thương cơ quan đích, tiến triển cấp tính (như tổn thương tim, não, thận…). Đòi hỏi phải hạ huyết áp trong vòng vài giờ bằng thuốc đường tĩnh mạch.

Tăng huyết áp gia tăng ác tính là cơn tăng huyết áp kèm theo các biến chứng ở cơ quan đích như phù gai thị, tai biến mạch máu não, suy tim trái cấp, phình bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận cấp…

– Về phương diện cấp cứu

+ Đối với tăng huyết áp khẩn cấp

Cho phép hạ huyết áp xuống trong vòng 24 giờ, thường phải đòi hỏi phối hợp thuốc. Bệnh nhân phải được theo dõi ở bệnh viện 24 – 48 giờ để biết chắc chắn có đáp ứng với thuốc và không gặp tác dụng phụ hay biến chứng. Có thể sử dụng một trong các thuốc sau:

+ Catoprin 25 mg uống hoặc ngậm dưới lưỡi, có thể lặp lại sau 2 – 6 giờ. Thuốc bắt đầu tác dụng sau 15 – 30 phút, tác dụng kéo dài 2 – 6 giờ. Chống chỉ định với hẹp động mạch thận 2 bên.

+ Clonidin uống 0,1 – 0,2 mg, có thể lặp lại sau mỗi giờ, tổng liều có thể đến 0,6 mg. Thuốc tác dụng sau 30 – 60 phút, kéo dài 8 – 16 giờ. Tác dụng phụ: tụt huyết áp, ngủ gà, khô miệng.

+ Labetalol uống 200 – 400mg, có thể lặp lại mỗi 2 – 3 giờ. Thuốc tác dụng sau 30phút, tác dụng kéo dài 12 giờ. Tác dụng phụ: co thắt phế quản, block dẫn truyền trong tim, giảm sức bóp cơ tim, tụt huyết áp tư thế.

+ Prazosin uống 1 – 2mg, có thể lặp lại sau mỗi giờ. Thuốc tác dụng sau 1-2 giờ, tác dụng kéo dài 12 giờ. Tác dụng phụ: gây ngất liều đầu, hồi hộp, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp tư thế.

+ Niphedipin uống 10mg, có thể lặp lại sau mỗi giờ. Thuốc tác dụng sau 15 – 30 phút, kéo dài 2 – 4giờ. Tác dụng phụ: nhịp tim nhanh.

– Đối với tăng huyết áp cấp cứu

Đòi hỏi phải giảm trị số huyết áp trung bình xuống 25%, hay trị số huyết áp tâm trương xuống < 110 mmHg trong vòng vài phút đến vài giờ. Theo dõi sát huyết áp vì tổn thương cơ quan đích có thể xảy ra, hay biến chứng nặng thêm do giảm huyết áp quá nhanh. Nếu triệu chứng xấu hơn trong quá trình hạ huyết áp, tốc độ giảm huyết áp phải chậm lại hay phải ngưng tạm thời.

Cần phải dùng thuốc đường tĩnh mạch: có thể tiêm tĩnh mạch lasix ống 20 mg 1 – 2 ống. Nếu sau 1 giờ chưa đái được 500 ml có thể lặp lại. Phối hợp với một trong các thuốc sau:

+ Nitroprusid pha trong huyết thanh ngọt đẳng trương, truyền tĩnh mạch 0,25 – 10 mg/kg/phút. Thuốc tác dụng ngay sau khi truyền 2 – 3 phút. Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, dùng lâu ngày gây ngộ độc cyanid, methemoglobin. Thuốc được chọn dùng khi có hở van động mạch chủ, hở van hai lá, phẫu thuật tim.

+ Nitroglycerin pha trong huyết thanh ngọt đẳng trương truyền tĩnh mạch 5 – 100 mg/kg/phút. Thuốc tác dụng sau truyền 2 – 5 phút. Tác dụng phụ: nhức đầu, đỏ mặt, nhịp tim nhanh, methemoglobin. Thuốc được chọn dùng khi có nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.

+ Nicardipin tiêm tĩnh mạch 1 mg/phút trong 10 phút (tổng số 10 mg). Sau đó duy trì bằng đường truyền tĩnh mạch 0,5 – 2 mg/giờ tùy tình trạng bệnh nhân. Thuốc tác dụng sau 1 – 5 phút. Tác dụng phụ: nhịp nhanh, buồn nôn, nôn, nhức đầu, tăng áp lực nội sọ.

+ Labetalol tiêm tĩnh mạch 1 mg/kg trong 10 phút. Duy trì bằng đường truyền tĩnh mạch 0,1 mg/kg/24 giờ trong 8 – 12 giờ. Thuốc tác dụng sau 5 – 10 phút. Tác dụng phụ: co thắt phế quản, block dẫn truyền trong tim, giảm sức bóp cơ tim, tụt huyết áp tư thế. Thuốc được chọn dùng khi có tai biến mạch máu não.

– Đối với tăng huyết áp gia tăng ác tính

Về trị số huyết áp, thái độ sử trí giống như tăng huyết áp cấp cứu, đồng thời phải sử trí các biến chứng, chú ý các biến chứng có nguy cơ đe dọa tử vong.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm – Bệnh viên 103

Yhocvn.net

Bài cùng chủ đề: Tăng huyết áp ác tính: Các tổn thương và biến chứng

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook