Thứ Bảy, 12/09/2015 | 17:07

Ở Việt Nam, hội chứng “tự kỷ” mới được chẩn đoán gần 10 năm trước nhưng đến nay, số lượng người tự kỉ đã có khoảng hơn 200.000 người

Câu hỏi: trẻ tự kỉ có phải là một dạng khuyết tật không đang là vấn đề đặt ra với những người làm luật.

“Cuộc chiến” đơn độc của người mẹ

Một người mẹ trong số hơn 400 người mẹ có con bị tự kỉ của CLB trẻ “tự kỷ” tại Hà Nội, chị T.H đã chia sẻ “cuộc chiến” của mình với hai chữ tự kỉ suốt 10 năm ròng: “Khi mới sinh, cháu bình thường nhưng bắt đầu sang năm thứ hai, cháu rất sợ tiếp xúc với người lạ, có những hành vi bùng nổ dữ dội, khóc nhiều không dỗ được và không biết nói, dù một từ. Cháu sợ đám đông, lặp đi lặp lại một hành động vô nghĩa, không biết đón nhận tình yêu của cha mẹ và người thân, không biết đề xuất yêu cầu của mình, không biết tránh những nguy hiểm đến với mình… Thời đó, chẳng ai biết về hội chứng tự kỷ, những người cha, người mẹ như chúng tôi loay hoay tìm kiếm mọi phương tiện để có thể cứu giúp con. Tới nay, tôi đã phải chuyển trường cho cháu gần 10 lần, dù cháu mới chỉ học hết tiểu học”.

Một người mẹ khác có con bị tự kỉ đã hơn 17 tuổi, khi xin học nghề cho con tại một trung tâm dành cho người khuyết tật lại gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh tự kỷ không nằm trong danh mục người khuyết tật. Chị tâm sự trong nước mắt: “Với những cha mẹ bình thường, nuôi con thì mong con lớn từng ngày, còn chúng tôi, có người chỉ mong con “đừng lớn nhanh như thế”, đơn giản chỉ vì những người cha người mẹ như tôi không kịp chuẩn bị đón nhận những nhu cầu, những đổi thay của cháu”.

Ở một góc độ khác, chị T.H chia sẻ: “Nếu bỏ qua những hành vi kỳ lạ, những hành động đôi khi rất khó chấp nhận của người tự kỉ, ta sẽ thấy người tự kỷ cũng là một con người với những nhận thức, với những cảm xúc riêng. Vì thế, chúng ta hãy cho họ cơ hội được thể hiện mình, bằng cách gọi đúng tên dạng khuyết tật của họ: tự kỷ. Như vậy, chúng ta đã chấp nhận họ như họ vốn có và tạo cho họ những điều kiện để họ tự vươn lên”.

Cần một chỗ đứng trong Luật Người khuyết tật!

Ở Việt Nam, hội chứng tự kỷ mới được chẩn đoán gần 10 năm trước nhưng đã phát triển rất nhanh. Năm 2003, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM chỉ điều trị 2 trẻ bị tự kỷ, thì đến năm 2008 đã là 350 trẻ. Còn ở Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ tự kỷ cũng tăng theo từng năm: Năm 2007 là 405 trẻ nhưng đến năm 2009 là 1.752 trẻ.

Là cha mẹ của những đứa trẻ tự kỉ, chúng tôi thật sự đau lòng khi con mình bị cộng đồng kỳ thị xa lánh, bị coi là biểu hiện của tâm thần. Mong rằng, toàn xã hội sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về chứng tự kỷ, từ đó có những cử xử đúng đắn, những hành động thiết thực giúp trẻ tự kỷ nói riêng và những người mắc bệnh tự kỉ nói chung hòa nhập được với cộng đồng… (Một người mẹ có con bị tự kỷ)

Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp Dự thảo lần 3 Nghị định “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật”. Ông Lâm Tường Vũ – Chủ tịch CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội cho biết: “Nghiên cứu Luật Người khuyết tật, chúng tôi thấy có rất nhiều quy định thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật. Tuy nhiên dường như nhóm người tự kỷ nằm ở “bên lề” của Luật. Ước mong lớn nhất của chúng tôi là một ngày nào đó dạng tật “tự kỷ” được công nhận bằng văn bản pháp luật chính thức như các dạng khuyết tật khác (như khuyết tật nghe, nhìn, vận động..). Và mong muốn sau quá trình can thiệp, người mắc chứng tự kỷ có thể được đánh giá lại về mức độ khuyết tật để được hưởng các chính sách khác về giáo dục, việc làm phù hợp”.

Bà Nguyễn Thanh Trà, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Chắc chắn “tự kỷ” thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Luật tạo điều kiện tốt nhất cho việc hoà nhập của trẻ tự kỷ. Theo tôi nên cho “tự kỷ” vào dạng “khuyết tật khác” là phù hợp nhất. Chính sách Nhà nước đi kèm với dạng “khuyết tật khác” cũng công bằng với các khuyết tất vận động, nhìn… Hạng khuyết tật sẽ được các chuyên gia đánh giá và chia thành các loại, từ đó có chính sách tương ứng”./.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook