Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) hay các bác sĩ thường gọi là COPD đó là những chữ cái đầu viết tắt của cụm từ tiếng anh (chronic obstructive pulmonary disease). Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản dẫn đến tắc nghẽn đường thở từ từ và không hồi phục. Quá trình này liên quan đến đáp ứng viêm bất thường của phổi với các chất khói, khí, các hạt độc hại. Bệnh về cơ bản có thể phòng và điều trị ổn định được.
Đây là một bệnh phổi mạn tính thường gặp, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến năm 1997, trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc BPTNMT và bệnh được xếp hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong. Dự đoán trong thập kỷ này số người mắc bệnh sẽ tăng lên gấp 3 – 4 lần. Ở Việt Nam tỷ lệ mắc trong toàn quốc ở người trên 40 tuổi là 4,2%, ở Hà Nội: 2%, Hải Phòng: 5,65%. Tỷ lệ bệnh nhân BPTNMT điều trị tại Trung tâm Hô Hấp BV Bạch Mai chiếm 25,1% đứng đầu trong các bệnh phổi.
Tổn thương trong BPTNMT ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ và nhu mô phổi, tuy nhiên ở những giai đoạn nặng, bệnh không chỉ khu trú ở phổi phế quản mà gây tổn thương trên toàn thân như ở tim, cơ, xương, tâm thần….do vậy bệnh có biểu hiện mang tính chất toàn thân.
Bản chất của BPTNMT là tình trạng viêm mạn tính gây phù nề, chít hẹp phế quản và phá huỷ các phế nang là túi chứa khí của phổi làm cản trở sự trao đổi khí do vậy làm nồng độ khí oxy trong máu bị giảm, tích đọng nhiều khí carbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan đặc biệt là tim, giảm chất lượng cuộc sống, người bệnh ít đi lại, chủ yếu sống trong nhà, giao tiếp xã hội bị hạn chế, chất lượng công việc, tình cảm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, về lâu dài có thể gây chứng trầm cảm…
Các triệu chứng lâm sàng của BPTNMT
Ở giai đoạn sớm, những triệu chứng thường làm các bác sĩ hướng tới BPTNMT: ho, khạc đờm kéo dài. Nguy cơ có BPTNMT càng lớn hơn nếu các triệu chứng này xuất hiện trên những người có tiếp xúc thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hít phải khói thuốc thụ động, tiếp xúc khói, bụi công nghiệp, khói bếp củi, bếp than….
Bệnh nhân thường chủ quan với chính những triệu chứng ho, khạc đờm mạn tính, và coi những triệu chứng này là thông thường ở người hút thuốc hoặc tiếp xúc khói, bụi. Do vậy, bệnh không được phát hiện kịp thời, nên tiếp tục tiến triển nặng dần lên, nhiều bệnh nhân chỉ đi khám khi đã xuất hiện khó thở, thường lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ban đầu, khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn và đến giai đoạn cuối cùng của bệnh, khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi tại giường.
Do bệnh diễn biến trong thời gian dài, ngoài phổi và các cơ trợ giúp cho việc hít thở của người bệnh hoạt động gắng sức, các bộ phận khác, trong đó đáng kể nhất là tim cũng bị ảnh hưởng và phải hoạt động nhiều hơn. Chính vì vậy, ở giai đoạn cuối, người bệnh có suy tim với các biểu hiện như mắt lồi đỏ như mắt ếch, gan to, phù chân, tiểu ít… Một số bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm, loãng xương…
Nguyên nhân gây bệnh (các yếu tố nguy cơ)
Có hai loại yếu tố nguy cơ có thể là nguyên nhân gây BPTNMT:
– Các yếu tố nội tại: các thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin (ít gặp, ở những người này bệnh xuất hiện sớm trước tuổi 40 và nặng lên nhanh chóng).
– Các yếu tố môi trường: khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp, ô nhiễm trong nhà, ô nhiễm môi trường.
Thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh trong hơn 90% các trường hợp, tuy nhiên không phải tất cả những người hút thuốc đều mắc BPTNMT. Khoảng 20 – 30% số người sử dụng từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của BPTNMT.
BPTNMT do tiếp xúc bụi nghề nghiệp gặp ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân làm việc tại các xưởng đúc, xưởng luyện kim, công nhân xây dựng, thợ dệt, nông dân… là những người phơi nhiễm thường xuyên với các yếu tố kích thích phế quản, họ có nguy cơ cao bị mắc BPTNMT. Các yếu tố gây bệnh có thể là: khí độc, xi măng, các sản phẩm của than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp. BPTNMT nghề nghiệp ở những người hút thuốc tiến triển nhanh và nặng hơn so với BPTNMT do nghề nghiệp nhưng không hút thuốc lá.
Yếu tố khác như ô nhiễm đô thị và ô nhiễm trong nhà không phải là các nguyên nhân trực tiếp tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh.
Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được chẩn đoán dựa chủ yếu trên sự xuất hiện các triệu chứng mạn tính như ho, khạc đờm, khó thở ở những người hút thuốc lá, thuốc lào.
Chẩn đoán được khẳng định nếu thấy có rối loạn thông khí tắc nghẽn cố định khi đo chức năng hô hấp.
Cần hướng tới chẩn đoán BPTNMT ở những người > 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, hoặc tiếp xúc khói, bụi kéo dài. Đo chức năng hô hấp để xác định chẩn đoán.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Cho đến nay, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn BPTNMT, tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ như: (1) bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc, (2) dùng thuốc giãn phế quản và corticoid phù hợp, đầy đủ, (3) tiêm phòng vacxin phòng cúm và phòng phế cầu, (4) có kiến thức đầy đủ về BPTNMT (hiểu về bệnh và các dấu hiệu cần thay đổi điều trị, khám bác sĩ, hoặc nhập viện cấp cứu). Khi đó bệnh của bệnh nhân có thể được kiểm soát, bên cạnh đó còn làm giảm số đợt cấp cần nhập viện.
Các thuốc giãn phế quản là thuốc điều trị chủ yếu đối với BPTNMT, các thuốc này cần được sử dụng phù hợp với giai đoạn bệnh. Thuốc dạng phun, hít được ưu tiên dùng hơn thuốc dạng uống. Để sử dụng tốt các thuốc dạng phun, hít, xịt hoặc khí dùng, bệnh nhân và người nhà cần được tập huấn kỹ trước khi dùng và được kiểm tra cách dùng ở mỗi lần đến khám lại.
Các thuốc giãn phế quản gồm 2 loại, loại tác dụng nhanh (bắt đầu tác dụng sau vài phút và kéo dài trong 4-5 giờ) và loại tác dụng kéo dài trong khoảng 12 giờ. Nếu cần phải sử dụng các thuốc giãn phế quản nhiều lần trong ngày thì thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài sẽ giúp bệnh nhân thích nghi tốt hơn. Bác sĩ sẽ là người lựa chọn các thuốc thích hợp với bệnh nhân trong số các thuốc này.
Cần lưu ý, khi đã được chẩn đoán BPTNMT thì phải dùng thuốc giãn phế quản suốt đời, ngay cả khi không có cảm giác khó thở hoặc không thấy ho.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội phòng chống BPTNMT toàn cầu, thuốc corticoid dạng hít (thuốc hít, xịt hoặc khí dùng) được khuyến cáo sử dụng kéo dài cho các bệnh nhân có BPTNMT từ giai đoạn III trở đi (Thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên < 50% và Gaensler < 70%). Corticoid đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chỉ nên được dùng khi BPTNMT nặng nhập viện vì đợt cấp. Không nên dùng corticoid đường uống hoặc tiêm truyền kéo dài do có thể gây rất nhiều tác dụng phụ như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày tá tràng …
Thận trọng khi sử dụng một số thuốc điều trị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc glaucome (các thuốc nhỏ mắt): thuốc ức chế bêta giao cảm. Các thuốc này có thể làm co thắt đường thở và làm khó thở nặng hơn, các thuốc ức chế thụ thể angiotensin giúp hạ huyết áp, nhưng đồng thời cũng có thể gây ho, do vậy gây khó khăn khi theo dõi, đánh giá mức độ nặng cũng như cải thiện với điều trị.
Khi BPTNMT ở giai đoạn trung bình tới nặng hoặc đang tiến triển, cần tránh tuyệt đối không dùng thuốc an thần, thuốc ngủ. Các thuốc này giúp ngủ, an thần, nhưng đồng thời nó cũng ức chế hoạt động của trung tâm hô hấp, giảm phản xạ ho, do vậy làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, đôi khi gây ngừng thở hoàn toàn.
Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm, phòng phế cầu cứ 3 đến 5 năm một lần để tránh nhiễm khuẩn.
Lý liệu pháp là một cách điều trị nhằm giải phóng sự tắc nghẽn phế quản bởi dịch tiết khi có các đợt cấp mặt khác cũng là điều trị phục hồi chức năng phổi: tập ho có điều khiển: Hít vào hết sức rồi thở ra mạnh, miệng hơi hé mở, ho khoảng 2-3 lần để đẩy đờm lên cổ họng. Tập thở cơ hoành: ngồi tư thế thoải mái ở ghế hoặc trên giường, đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng thổi ra một cách chậm rãi và thật chậm nếu có thể cảm nhận được lồng ngực hạ thấp xuống và bụng thì thóp lại, cuối thì thở ra hít vào sâu bằng mũi: cảm thấy bụng căng phồng lên và lồng ngực thì được nâng cao lên. Sự luyện tập để thích nghi với gắng sức đặc biệt được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn có khó thở đối với các gắng sức nhẹ.
Điều trị oxy chỉ được chỉ định ở giai đoạn suy hô hấp có nghĩa là khi người bệnh bị thiếu oxy trong máu, PaO2 < 55mmHg hoặc có các dấu hiệu suy tim phải.
Phẫu thuật giảm thể tích phổi được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt để điều trị các hậu quả của giãn phế nang. Các tổn thương giãn phế nang không phải chỉ tập trung một chỗ trong phổi vì vậy phẫu thuật chỉ có thể cắt bỏ được một số, mục tiêu để giảm áp lực của những bóng khí này lên vùng phổi vẫn còn hoạt động.
Ghép phổi là một phẫu thuật nặng nề và phải điều trị phòng thải ghép lâu dài. Nó chỉ được chỉ định trong rất ít các trường hợp. Hiện nay ở Việt Nam chưa thực hiện được.
Ngừng hút thuốc là một biện pháp điều trị quan trọng nhất trong điều trị BPTNMT. Các dẫn xuất thay thế nicotin: cao dán, kẹo cao su, viên nén ngậm dưới lưỡi hoặc dạng khí dùng làm giảm cảm giác thèm thuốc. Sử dụng trong vòng 2 đến 3 tháng với liều giảm dần. Thuốc sử dụng bằng đường uống làm giảm cảm giác thiếu nicotin và tác động lên một số vùng của não làm giảm sự phụ thuộc nicotin: buprobion, varenicline… Các thuốc này được chỉ định khi không có rối loạn kiểu co giật, suy gan…. có thể phối hợp với các dẫn xuất của nicotin. Châm cứu, thuốc đông y, điều trị tâm lý, không có các bằng chứng khoa học về hiệu quả cai nghiện của những phương pháp này tuy nhiên trong một số trường hợp nó cũng có ý nghĩa giúp đỡ về mặt tâm lý.
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay đôi khi còn gọi là đợt bùng phát
Đợt cấp BPTNMT là tình trạng xấu đi của các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh nhân thường không đáp ứng với các điều trị hàng ngày, hoặc có xuất hiện thêm các triệu chứng mới. Hầu hết nguyên nhân của đợt cấp do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn), tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể có đợt cấp do hít phải khói, bụi, hoặc tràn khí màng phổi…
Khi xuất hiện đợt cấp BPTNMT, cần liên hệ với các bác sĩ hoặc đến khám tại các phòng khám để có hướng điều trị phù hợp.
Hầu hết các trường hợp đợt cấp nhẹ đều có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên, những trường hợp có suy hô hấp, không đáp ứng với điều trị thuốc tại nhà nên được điều trị tại bệnh viện.
Các điều trị chung cho tất cả các bệnh nhân có đợt cấp thường bao gồm việc tăng liều thuốc giãn phế quản, corticoid đường phun hít. Các điều trị khác tuỳ theo nguyên nhân gây đợt cấp: Nếu có biểu hiện nhiễm trùng (tăng số lượng đờm, khạc đờm mủ) cần được điều trị với kháng sinh, trong khi những trường hợp có đợt cấp do nhồi máu phổi cần được điều trị thuốc chống đông hoặc khi có tràn khí màng phổi cần được mở màng phổi dẫn lưu khí…
Các biến chứng có thể gặp: suy tim phải, suy hô hấp mạn tính, trầm cảm….
Phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp củi bếp than, khói bụi công nghiệp. Nơi ở phải thoáng mát tránh ẩm thấp.
Dự phòng và điều trị tốt nhiễm trùng đường hô hấp.
Thường xuyên tập thể dục để có cơ thể khoẻ mạnh.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.