Chủ Nhật, 06/09/2015 | 15:50

Nguyên nhân sút cân có thể do ăn ít quá như biếng ăn, thiếu ăn, bệnh mạn tính,… hoặc do tiêu thụ năng lượng nhiều quá như chuyển hóa tăng, hoạt động thể lực quá mức.

Sút cân là một dấu hiệu quan trọng, thường phản ánh một bệnh nặng.

Sở dĩ sút cân vì năng lượng ăn vào (thức ăn) ít hơn năng lượng tiêu đi (chuyển hóa cơ bản cộng với hoạt động). Vì vậy, nguyên nhân sút cân có thể do ăn ít quá (biếng ăn, thiếu ăn, bệnh mạn tính …) hoặc do tiêu thụ năng lượng nhiều quá (chuyển hóa tăng, hoạt động thể lực quá mức).

Cơ thể mất nước nhiều cũng gây sút cân nhanh. Thí dụ: dùng thuốc lợi niệu, mất mồ hôi nhiều, thiếu nước uống, kiêng muối quá mức đều có thể sút cân.

Những nguyên nhân sút cân chủ yếu gặp trong lâm sàng, không kể những trường hợp cơ thể mất nước:

Đái tháo đường

Sút cân là triệu chứng quan trọng của bệnh đái tháo đường. Mới đầu, sút cân chủ yếu do mất mước (vì đái nhiều). Sau đó, cân tiếp tục giảm do mất nhiều glucose qua nước tiểu (vì glucose niệu). Thiếu insulin và thừa glucagon cũng làm giảm tổng hợp protein và mỡ, đồng thời tăng quá trình tiêu protein và tiêu mỡ.

Người bệnh đái tháo đường ăn khỏe hơn người bình thường nhưng vẫn sút cân vì năng lượng ăn vào dù cao cũng không bù đắp nổi những tiêu hao năng lượng do bệnh. Ăn nhiều mà vẫn sút cân là một trong những đặc điểm của đái tháo đường.

Để chẩn đoán, cần phải định lượng glucose trong máu lúc đói (định lượng ít nhất hai lần liên tiếp), nếu quá 1,4g/l (7,8 mmol/lít) là nghi ngờ. Tìm glucose và thể ceton trong nước tiểu giúp thêm cho chẩn đoán.

Điều trị

Trước hết, phải hạn chế ăn chất bột và đường. Tùy trường hợp, dùng một trong những viên chống đái tháo đường sau đây:

Glibenclamid (Daonil, viên 5mg)

Gliclaizid (Predian, viên 80mg)

Tolbutamid (Dolipol, viên 500mg)

Thường bắt đầu bằng một viên, sau điều chỉnh dần.

Những ca nặng, cân sút nhanh mặc dù ăn rất nhiều, đường huyết quá cao và nhất là những trường hợp có ceton niệu, cần tiêm insulin dưới da, bắt đầu bằng 20 đơn vị. Nếu dùng liều cao hơn, cần có sự hướng dẫn của tuyến trên. Khi đã tính được liều thích hợp thì người bệnh có thể tự dùng thuốc ở nhà, dưới sự giám sát chặt chẽ và thường kỳ của thầy thuốc.

Người bệnh phải theo dõi chế độ ăn nghiêm ngặt, hạn chế glucid và nếu béo thì hạn chế cả lượng calo nói chung.

Cường giáp

Còn gọi là nhiễm độc giáp, mà thể hay gặp nhất là bệnh Basedow, trong bệnh này, tuyến giáp tăng tiết hormon, chủ yếu là thyroxin (T1), tăng mạch chuyển hóa ở các mô và tiêu hao rất nhiều năng lượng.

Người bệnh gầy sút nhanh chóng, mặc dầu ăn ngon miệng và ăn nhiều, nhất là các glucid như cơm, đường. Bệnh cảnh lâm sàng còn có mắt lồi, bướu giáp, run tay, tim nhanh, sợ nóng, nhiều mồ hôi, ỉa chảy, rụng tóc, dễ cáu kỉnh. Cũng có khi (nhất là người cao tuổi) chỉ có sút cân đơn thuần, không có các triệu chứng trên.

Để chẩn đoán, hiện nay vẫn cần đo chuyển hóa cơ bản: chỉ cần mắt lồi, bướu giáp, mạch nhanh thường xuyên trên 90 lần mỗi phút và chuyển hóa cơ bản > 30% là đã có thể bước đầu xác định bệnh Basedow. Những xét nghiệm sau đây chính xác hơn, nhưng thuộc tuyến trên:

Trong cường giáp, thường thấy:

Độ tập trung I131 cao quá 30% sau 24 giờ

Định lượng T¬4 > 200 microgam/lít (260 nanomol/lít)

Định lượng T3 > 2 microgam/lít (3,1 nanomol/lít)

Điều trị

+ Có thể chữa triệu chứng để người bệnh dễ chịu ngay

Propranolol viên 40mg. Uống ½ viên mỗi lần, dùng 2 lần trong 24 giờ. Sau đó, có thể tăng dần liều.

+ Nếu không dùng được thuốc chẹn bêta, thì thay bằng: Diltiazem viên 60mg. Uống 1 viên mỗi lần, dùng 2 lần trong 24 giờ. Sau cũng có thể tăng dần liều.

+ Iod (dung dịch Lugol mạnh) uống 30-60 giọt/24 giờ, chia 3 lần uống.

+ Đồng thời, dùng ngay thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, dùng một trong các thuốc sau:

– Benzyl – thiouracil (BTU, Basdènc, viên 25mg)

Bắt đầu bằng 6 viên/24 giờ, dùng trong vài tuần. Khi đỡ, giảm dần liều cho đến liều duy trì 3-4 viên/24 giờ, dùng trong vài tháng.

– Methylthiouracil (MTU viên 50 mg) hoặc propylthiouracil (PTU viên 50 mg): bắt đầu bằng 6 viên/24 giờ, dùng trong vài tuần, rồi cũng giảm liều theo cách như trên.

– Carbimazon (Ncomerzole viên 5 mg): cũng bắt đầu bằng 4-8 viên /24 giờ, rồi cũng giảm liều theo cách như ở các thuốc trên.

+ Nếu chữa bằng thuốc không kết quả, nên gửi tuyến trên xét chỉ định dùng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật.

– Ngoài cường giáp, còn một số bệnh nội tiết khác (hiếm hơn nhiều) cũng gây sút cân đó là:

+ U tế bào ưa chrom: tăng huyết áp từng cơn là dấu hiệu chính, nhưng đồng thời cũng sút cân, vì catecholamin tăng trong máu.

+ Suy toàn tuyến yên (panhypopituitarism), còn gọi là bệnh Simmonds, cũng làm gầy sút nhiều.

+ Suy thượng thận, sút cân ở đây do chán ăn, hậu quả của thiếu cortisol.

Bệnh tiêu hóa

– Các bệnh viêm tụy mạn, xơ nang tụy, hay tạo phân có mỡ, gày sút nhanh chóng mặc dù ăn vẫn nhiều

– Viêm ruột, ký sinh trùng, hẹp thực quản, loét dạ dày tá tràng, thiếu máu ác tính, xơ gan…. đều có thể gây sút cân. Cơ chế có nhiều: chán ăn, nôn mửa, tắc, kém hấp thu, viêm.

Điều trị tùy nguyên nhân.

Một số bệnh đặc biệt

Lao, bệnh nấm, áp xe amop, viêm màng trong tim miễm khuẩn dạng bán cấp, bệnh AIDS đều có thể gây sút cân.

Phải tìm kỹ nguyên nhân bệnh và chữa theo nguyên nhân

Ung thư

Trường hợp sút cân mà không có biểu hiện gì đặc biệt khác, có khả năng là ung thư ở một vị trí kín đáo nào đó. Phải tìm nguyên nhân ở ống tiêu hóa, tụy, gan, hạch, máu… Sút cân só lẽ do chán ăn là chính, nhưng chuyển hóa cũng có tăng ít nhiều.

Bệnh tâm thần

Điển hình nhất là bệnh biếng ăn tâm thần. Một số bệnh tâm thần khác cũng gây sút cân (tâm thần phân liệt, trầm cảm…)

Chẩn đoán chủ yếu bằng cách loại trừ những bệnh thực tổn.

Suy thận mạn

Nhiều khi suy thận biểu hiện trước tiên bằng gầy sút do chán ăn.

Tóm lại, ở người bệnh sút cân mà ăn nhiều hơn, nên nghĩ đến đái tháo đường, nhiễm độc giáp, kém hấp thu thức ăn, rồi đến bệnh bạch cầu, u lympho. Nếu ăn vẫn bình thường hoặc kém đi, nên tìm ung thư, nhiễm khuẩn, suy thận, bệnh tâm thần hoặc bệnh nội tiết.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook