Một bữa đón con gái đang học lớp 4 về tôi gặp anh phụ trách phòng y tế của trường, anh tay bắt mặt mừng, hỏi han nhiều thứ.
Do tôi có thời gian tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh của trường nên dự một số sinh hoạt, được một số thầy cô, anh chị nhớ mặt, nhớ tên.
Tôi cũng vui vẻ đáp lễ, nhưng cạy mãi trí óc mà không thể nhớ được tên anh là gì, mới hỏi con gái thì con trả lời ngay: “Bác Quốc đó ba”.
Nhân đó tôi hỏi tên các cô bảo mẫu, cô lao công, bác bảo vệ thì cháu đều trả lời được hết. Tôi tin là cháu nhớ và trả lời đúng, chứ không phải nói cho qua chuyện.
Ngẫm lại chuyện của con, tôi mới thấy mình khá vô tâm. Bởi nếu con gái hỏi các bảo vệ, lao công ở cơ quan tôi tên gì, tôi hoàn toàn không trả lời được.
Có thể đổ cho là cơ quan có nhiều bảo vệ, nhiều lao công thì thật ra tôi cũng quen mặt với hầu hết các anh chị đó, có một số người từng ăn trưa cùng bàn ở căngtin, hay thi đấu giải cờ tướng của cơ quan tổ chức, ít nhất cũng là gặp mặt thường xuyên và chào nhau khi dắt xe qua cổng… Ấy vậy mà tôi chưa hề biết tên.
Nhiều người hay phê bình trẻ bây giờ thiếu kỹ năng sống. Điều đó đúng, nhưng xem ra trách nhiệm phần lớn thuộc về cha mẹ chứ không thể đổ cho nhà trường.
Chẳng hạn, trong số các kỹ năng sống có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nhưng cha mẹ ít cho con tiếp xúc với người khác thì làm thế nào rèn và phát huy các kỹ năng này.
Đã thế, bản thân cha mẹ cũng không tự hoàn thiện kỹ năng này thì lấy gì làm gương và dạy cho con?
Không chỉ vậy, chỉ việc biết tên, biết thưa gửi những người tưởng như không liên quan gì đến việc học của trẻ là bảo vệ, bảo mẫu, lao công, thủ thư… cũng là một hình thức biết quan tâm đến người khác.
Điều đó không chỉ có ích cho trẻ mà còn cho cha mẹ, bởi thiết lập được mối quan hệ này thì trong một số trường hợp có thể tạo thông tin hai chiều giữa những người không phải là giáo viên với gia đình về một số biểu hiện như thói quen, tính nết của trẻ.
Đồng thời, quá trình giao tiếp cũng bồi bổ thêm vốn sống, kinh nghiệm ứng xử, kiến thức cho trẻ.
Chưa có bình luận.