Thứ Ba, 06/09/2016 | 12:37

Viêm gan virus B mạn tính là bệnh gan do virus viêm gan B gây ra tổn thương hoại tử và viêm có hoặc không có kèm theo xơ hoá, diễn ra trong thời gian trên 6 tháng.

Virus viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra viêm gan cấp, mạn tính, xơ gan và ung thư gan, mặc dù vacxin tiêm phòng virus viêm gan B đã có trên 20 năm qua nhưng bệnh vẫn tiếp tục lan tràn ở nước ta với tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao dao động từ 8 – 25%.

Dịch tễ học:

– 2 tỷ người đã và đang nhiễm virus viêm gan B

-15-40% dẫn tới xơ gan, suy gan, ung thư gan

– 350-500 triệu người bị viêm gan B mạn

– 1 triệu người chết hàng năm do viêm gan B

Chẩn đoán bệnh viêm gan B

Triệu chứng lâm sàng: không đặc hiệu

Mệt mỏi, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, chán ăn, buồn nôn, vàng da, một số ít các trường hợp có thể tiến triển thành suy gan cấp.

Triệu chứng thực thể bệnh gan mạn tính sao mạch, bàn tay son, gan to.

Các biểu hiện ngoài gan có thể gặp ở khoảng 10-20% trường hợp viêm gan B mạn, gồm sốt, phát ban, đau khớp, viêm khớp…

Xét nghiệm cận lâm sàng

HBsAg đây là xét nghiệm chính để phát hiện bệnh nhân có nhiễm virus viêm gan B, nếu dương tính phản ánh bệnh nhân đang mang virus viêm gan B. Nhiễm virus viêm gan B mạn được xác định khi HBsAg tồn tại kéo dài hơn 6 tháng.

Anti-HBs là kháng kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt.

Anti-HBc là loại kháng nguyên nhân của virus viêm gan B, anti-HBc IgM tăng cao trong thời gian bị viêm gan cấp tính, anti-HBc IgG phản ánh nhiễm virus viêm gan B tồn tại trong thời gian lâu dài.

HBeAg và anti-HBe đây là một trong những xét nghiệm rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan B mạn. HBeAg dương tính có nghĩa là virus đang sinh sôi, bệnh nhân dễ lây bệnh cho người khác.

Định lượng nồng độ HBV-DNA là một xét nghiệm rất cần thiết trong chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị.

ALT và AST là hai chất có khuynh hướng tăng cao trong bệnh viêm gan B, nó phản ánh tình trạng huỷ hoại tế bào gan.

Siêu âm gan phát hiện kích thước tính chất của gan, tình trạng xơ gan ….

Sinh thiết gan là tiêu chuẩn vàng để xác định bệnh nhân bị bệnh viêm gan B mạn.

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan virus B mạn tính

HBsAg dương tính > 6 tháng.

Nồng độ HBV-DNA > 5 logcopies/ml (với HBeAg dương tính), nồng độ HBV-DNA > 4 logcopies/ml (với HBeAg âm tính).

Nồng độ ALT tăng cao trên 2 lần bình thường liên tục hoặc tăng từng đợt.

Có tổn thương viêm gan mạn tính trên hình ảnh mô bệnh học mức độ vừa hoặc nặng.

Điều trị bệnh viêm gan B

Mục tiêu chính trong điều trị bệnh viêm gan B mạn là ức chế sự tăng trưởng của virus một cách bền vững, ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.

Nhóm thuốc điều hoà miễn dịch

Interferon: bao gồm Interferon-α và Peg-Interferon-α2a, PegIFN-α2b

IFN-α: người lớn là 5 triệu đơn vị/ngày, hoặc 10 triệu đơn vị/ngày/3 lần/tuần. Với trẻ em là 6 triệu đơn vị/m2/ 3 lần/tuần, tối đa 10 triều đơn vị. Thời gian điều trị là 16 tuần với HBeAg dương tính và 48 tuần với HBeAg âm tính (tiêm dưới da).

PegIFN-α2a: 180 Mcg một lần/tuần trong 48 tuần (tiêm dưới da).

Tuy nhiên dùng thuốc này ít hiệu quả với người Việt Nam.

Nhóm đồng đẳng nucleoside/nucleotid:  đây là nhóm thuốc thường dùng

Lamivudine (Zeffix): liều 100mg/ngày.

Adefovir dipivoxil (Hepsera): liều 10mg/ngày.

Entecavir (Baraclude): liều 0,5mg/ngày.

Telbivudine: liều 600mg/ngày, là thuốc mới, tỷ lệ kháng thuốc thấp hơn Lamivudine.

Tenofovir: liều 300mg/ngày.

Thời gian điều trị: với nhóm HBeAg (+) khuyến cáo dừng thuốc 6 tháng sau khi có chuyển đảo huyết thanh HBeAg và HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện. Với nhóm HBeAg (-) và xơ gan nên dùng kéo dài hơn.

Đánh giá đáp ứng điều trị: bệnh nhân cần được đánh giá về điều trị dựa trên các tiêu chí:

Đáp ứng về mặt sinh hoá khi nồng độ men gan ALT giảm tới giá trị bình thường.

Đáp ứng virus: hoàn toàn khi nồng độ HBV-DNA trong huyết thanh không phát hiện được bằng phương pháp PCR, không đáp ứng tiên phát khi nồng độ HBV-DNA giảm ít hơn 2 log sau ít nhất 6 tháng điều trị.

Đáp ứng về mô bệnh học: chỉ số điểm viêm giảm 2 điểm và không có xơ hoá thêm so với trước khi điều trị.

Chuyển đảo huyết thanh: HBeAg(+) trở thành HBeAg(-) và xuất hiện Anti-HBe(+), HBsAg(+) trở thành HBsAg(-) và xuất hiện Anti-HBs(+)

Bệnh nhân được gọi là đáp ứng toàn phần khi đáp ứng cả về hoá sinh, virus, mô bệnh học và chuyển đảo huyết thanh.

Phòng bệnh viêm gan B

Tiêm phòng virus viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất

– Phác đồ cổ điển: 2 mũi tiêm lặp đi lặp lại cách nhau 1 tháng, 1 mũi tăng cường sau 6, tháng, sau đó cứ 5 năm lại tiêm nhắc lại.

– Phác đồ khác: 3 mũi tiêm 3 lần cách nhau 1 tháng, tăng cường 1 mũi sau 1 năm và sau mỗi 5 năm.

Bà mẹ có HBsAg (+) cần tiêm cho con globulin miễn dịch phòng viêm gan B (HBIG) và vacxin phòng viêm gan B.

Người mang HBsAg cần có ý thức tránh lây nhiễm cho người khác.

Biện pháp khác: sử dụng máu và các chế phẩm máu an toàn, khuyến khích sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Hiểu về xét nghiệm chức năng gan

+ Tăng men gan tiềm ẩn nguy cơ ung thư

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook