Thứ Ba, 01/12/2020 | 13:40

Bệnh tiểu đường: phân loại, các kỹ thuật chẩn đoán bệnh

Phần loại bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường), các kỹ thuật chẩn đoán bệnh

1. Thuật ngữ đái tháo đường và Insulin

Thuật ngữ đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường: mô tả rối loạn chuyển hóa của nhiều nguyên nhân khác nhau, được đặc trưng bởi tăng glucose máu mạn tính với các rối loạn chuyển hóa carbohydrat, lipid và protein do các khiếm khuyết về bài tiết insulin, hoạt động của insulin hoặc cả hai. Các tác động của ĐTĐ bao gồm các tổn thương, rối loạn chức năng và suy chức năng mạn tính của các cơ quan khác nhau (WHO 1999). Trong đó tế bào thần kinh, hệ động mạch là hai bộ phận bị tổn thương nhiều nhất do đái tháo đường.

Thuật ngữ Insulin: Insulin là tên một loại hoóc-môn được sản sinh trong tuyến tụy. Giới y học thường ví insulin là chiếc chìa khóa thần kỳ, giúp các tế bào hấp thụ glucose trong máu (còn gọi là glucose máu) và chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động hằng ngày.

Theo thống kê năm 2014 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đái tháo đường (tiểu đường) đang ảnh hưởng đến 422 triệu người trên toàn cầu. Nếu không có sự tăng cường nhận thức và can thiệp kịp thời, đái tháo đường sẽ trở thành một trong bảy nguyên nhân hàng đầu gây chết người vào năm 2030. Sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh đái tháo đường phản ánh tình trạng béo phì, lười vận động, không tuân thủ chế độ dinh dưỡng ở hầu hết các quốc gia.

2. Phân loại đái tháo đường

2.1. Tiểu đường týp 1: Phá hủy tế bào beta, thường dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối

– Tự miễn

– Không rõ nguyên nhân

– Chiếm 10% số trường hợp và thường xảy ra ở trẻ em, trẻ vị thành niên

– Đặc trưng bởi sự thiếu hụt insulin trong cơ thể

– Biểu hiện của bệnh gồm đi tiểu nhiều lần, đói, khát nước thường xuyên, sụt cân dù vẫn ăn đủ bữa, mệt mỏi, giảm thị lực.

2.2. Đái tháo đường (Tiểu đường) týp 2: Từ kháng insulin là chủ yếu kèm thiếu insulin tương đối đến khiếm khuyết bài tiết insulin là chủ yếu đi kèm hoặt không đi kèm kháng insulin

– Chiếm đến 90% số trường hợp, xảy ra ở người trưởng thành, tuy nhiên hiện nay càng gặp nhiều hơn ở trẻ em và vị thành niên.

– Nguyên nhân chính gây tiểu đường typ 2 là do béo phì, lười vận động.

 – Triệu chứng tương tự như tiểu đường typ 1, tuy nhiên ít biểu hiện ra bên ngoài cho đến khi chuyển biến nghiêm trọng.

2.3. Các týp đái tháo đường đặc biệt

– Các khiếm khuyết chức năng tế bào beta di truyền

– Các khiếm khuyết hoạt động của insulin di truyền

– Các bệnh tụy ngoại tiết

– Các bệnh nội tiết

– Do thuốc, hóa chất

– Các nhiễm trùng

– Các dạng ĐTĐ qua trung gian miễn dịch hiếm gặp

– Các hội chứng di truyền hiếm gặp đôi khi kết hợp với bệnh tiểu đường

2.4. Đái tháo đường thai kỳ

– Bệnh xuất hiện khi lượng glucose máu người mẹ tăng cao trong giai đoạn thai kỳ. Nếu không được điều chỉnh, điều trị, thai phụ dễ gặp các biến chứng trong thai kỳ và khi sinh con.

– Cả mẹ và bé cũng có nguy cơ cao bị đái tháo đường týp 2 trong tương lai.

– Bệnh hầu như không biểu hiện triệu chứng, chỉ phát hiện được khi đi khám thai.

Bệnh tiểu đường phân loại, các kỹ thuật chẩn đoán
Bệnh tiểu đường phân loại, các kỹ thuật chẩn đoán

3. Biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh ĐTĐ (tiểu đường) rất đa dạng, liên quan đến mức độ tăng glucose máu và các biến chứng của bệnh.

Bệnh ĐTĐ týp 1 thể điển hình xuất hiện ở tuổi thanh, thiếu niên, tiến triểm rầm rộ trong vòng 1 vài tuần với các biểu hiện lâm sàng kinh điển của tăng glucose máu là khát, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút và nhìn mờ. Trong trường hợp bệnh nặng, không được phát hiện và điều trị kịp thời, Bệnh tiểu đường có thể được phát hiện trong tình trạng biến chứng cấp tính nhiễm toan ceton. Thể ĐTĐ tự miễn tiềm tàng ở người trưởng thành (Latient Autoimmune Diabetes in Adulthood – LADA) gặp ở người 30- 35 tuổi, tiến triển chậm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, với các biểu hiện lâm sàng ít rõ rệt hơn.

Bệnh tiểu đường týp 2 biểu hiện rất đa dạng, phụ thuộc giai đoạn và các biến chứng, chủ yếu là mạn tính của bệnh. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 30 tuổi. Bệnh không có triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn đầu, kéo dài nhiều năm, chỉ được được phát hiện bằng xét nghiệm glucose máu, nhiều trường hợp do xét nghiệm glucose máu định kỳ khi khám sức khỏe, sàng lọc bệnh tiểu đường hoặc tình cờ khi mắc các bệnh khác. ĐTĐ týp 2 có thể được phát hiện khi đi khám vì các biến chứng của bệnh như biến chứng võng mạc, đục thuyt tinh thể, vết thương lâu lành, lao phổi, bệnh mạch vành,… Các triệu chứng lâm sàng của tăng glucose máu xuất hiện muộn sau nhiều năm và tăng dần khi glucose máu tăng cao đi kèm tăng glucose niệu đáng kể và các hậu quả của nó là tăng bài niệu thẩm thấu, mất nước và sút cân.

4. Chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Bảng 1. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường theo WHO 1999 và Hội ĐTĐ Mỹ

Phân loại rối loạn glucose máuTiêu chíNgưỡng chẩn đoán
Đái tháo đường1. GHTTM lúc đói hoặc≥ 7,0 mmol/L
 2. GHTTM 2 giờ sau uống 75g glucose* hoặc≥ 11,1 mmol/L
 3. HbA1c hoặc≥ 6,5%
 4. GHTTM bất kỳ + triệu chứng lâm sàng của tăng glucose máu≥ 11,1 mmol/L
Tiền đái tháo đườngRLGM lúc đói: 1.GHTTM lúc đói  và 2. GHTTM 2 giờ sau uống 75g glucose*  6,1 (5,6**) – 6,9 mmol/L < 7,8 mmol/L  
 RLDNG: 1. GHTTM 2 giờ sau uống 75g glucose*và 2.GHTTM lúc đói (nếu đo)  7,8 – 11,0 mmol/L   < 7,0 mmol/L  
 Theo HbA1c5,7 – 6,4%

Chú thích: GHTTM: Glucose huyết tương tĩnh mạch; RLGM: Rối loạn glucose máu; RLDNG: Rối loạn dung nạp glucose; *: Nghiệm pháp dung nạp glucose; **: Tiêu chuẩn của Hội ĐTĐ Mỹ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường được xây dựng dựa trên mối liên quan giữa biến chứng mạch máu nhỏ của ĐTĐ (biến chứng võng mạc) và glucose máu lúc đói, glucose máu 2 giờ sau uống 75g glucose (trong nghiệm pháp dung nạp glcuose) và HbA1c trong các nghiên cứu dịch tễ học.

Những điểm quan trọng về áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường và  tiền đái tháo đường

– Cần sử dụng glucose huyết tương tĩnh mạch trong chẩn đoán lâm sàng bệnh tiểu đường. Trong nghiên cứu dịch tễ học có thể cho phép sử dụng máu mao mạch để chẩn đoán tiểu đường.

– Glucose máu lúc đói: Lấy máu buổi sáng sau nhịn đói qua đêm trong 8 – 12 giờ

– Chẩn đoán ĐTĐ bằng 1 trong 4 tiêu chí. Trong trường hợp sử dụng tiêu chí 1, 2 hoặc 3 khi glucose máu không tăng cao rõ rệt và không có triệu chứng laam sàng của tăng glucose máu, kết quả cần được khẳng định bằng xét nghiệm lặp lại. Tiêu chí HbA1c cần được thực hiện bằng phương pháp được chuẩn hóa, tiêu chuẩn này hiện nay chưa được khuyến cáo áp dụng ở Việt Nam.

Kỹ thuật thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose

Kỹ thuật làm nghiệm pháp dung nạp glucose được thực hiện theo quy trình khuyến cáo của Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về ĐTĐTN như sau:

+ Người được làm nghiệm pháp có chế độ ăn không hạn chế carbonhydrat (lượng carbonhydrat ≥ 150g/24giờ) giờ và không có hoạt động thể lực nặng trong 3 ngày trước làm nghiệm pháp, nhịn đói vào buổi sáng, sau 8 – 12 giờ không sử dụng thức ăn, nước uống có năng lượng.

+ Lấy máu tĩnh mạch, xét nghiệm glucose máu lúc đói

+ Uống uống 75g glucose khan (82,5g glucose monohydrate) pha trong 250ml nước lọc, uống từ từ trong vòng 5 phút.

+ Lấy máu tĩnh mạch xét nghiệm glucose máu vào thời điểm 1 và 2 giờ tính từ khi bắt đầu uống glucose .

Từ khi uống glucose đến khi lấy mẫu máu lúc 2 giờ người được làm nghiệm pháp nghỉ ngơi, không hoạt động thể lực, không sử dụng thức ăn, nước uống có năng lượng.

Yhocvn.net

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh bệnh tiểu đường

+ Bệnh tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook