Thứ Ba, 17/10/2017 | 13:21

Thời đại công nghệ đã thay đổi tích cực đến cuộc sống, nền kinh tế của xã hội, tuy vậy nó cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ cho thế hệ trẻ….Cá biệt, trong kỳ nghỉ hè 2017 số trẻ bị hội chứng TIC do nghiền smartphone, tivi ra tăng…

Theo thống kê hè 2017, số trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 được chẩn đoán bị hội chứng TIC tăng khoảng 50% so với đầu năm. Nguyên nhân do nhiều trẻ được gia đình cho coi smartphone, tivi nhiều trong dịp hè.

Tìm hiểu về hội chứng TIC

Hội chứng TIC là một rối loạn về thần kinh, chủ yếu ở các phần cơ như cơ mặt, cơ thân. Trẻ bị hội chứng TIC sẽ có những động tác nhanh, lặp đi lặp lại liên tục và không có chủ ý như giật cơ mắt, giật cơ vai… hoặc trẻ sẽ tự phát ra những âm thanh nhanh, vô nghĩa giống như tiếng “chó sủa”.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng TIC do trẻ sử dụng nhiều smartphone (điện thoại thông minh) khiến cơ mắt, tầm nhìn của mắt sẽ bị ảnh hưởng và đây sẽ là yếu tố khởi phát hội chứng TIC. Ngoài ra, trẻ xem tivi nhiều, đặc biệt là xem nhiều phim hoạt hình cũng sẽ là nguyên nhân khởi phát hội chứng TIC.

Để chẩn đoán trẻ bị hội chứng TIC, trước đó trẻ đã được loại trừ tất cả những tổn thương thực thể nào nếu có trước đó như bệnh lý viêm kết mạc, viêm xoang…

Những biểu hiện của hội chứng TIC

Nháy mắt liên tục

Hội chứng TIC có biểu hiện nhiều nhất ở cơ mắt với biểu hiện nháy mắt liên tục và khi ngủ mới hết.

Mặc dù nháy mắt liên tục không ảnh hưởng đến thị lực nhưng sẽ làm cơ mắt mỏi, ảnh hưởng đến tầm nhìn.

Tăng cận thị

Trẻ xem smartphone nhiều sẽ làm mỏi mắt tăng độ cận, còn với trẻ đã có sẵn hội chứng TIC khi xem nhiều smartphone sẽ là yếu tố khởi phát hội chứng TIC, tạo thành một tật trong não, khi đó dùng thuốc điều trị cũng rất khó.

Khi mắt nhìn nhiều, tập trung điều tiết nhiều sẽ tăng cận. Khi đọc các thông tin trên smartphone có độ rung, mắt phải điều tiết nhiều sẽ tăng độ cận, độ viễn, mỏi mắt, mỏi cổ, mỏi tay…

Còn đối với smartphone, khi sử dụng để chơi game sẽ khiến mắt bị rung hoặc nhãn cầu phải đung đưa hoài và trung tâm trên não không điều khiển được sẽ đong đưa hoài, gây mỏi mắt, mệt não. Sử dụng smartphone nhiều sẽ làm mất thời gian học, các sinh hoạt vận động tay chân nhiều nên cơ thể không phát triển như bình thường được. Chưa kể, xem smartphone không đúng tư thế còn dẫn đến bị vẹo cổ, vẹo cột sống trong khi mắt của trẻ em cần được nghỉ ngơi, tức là mắt không tập trung vào cái gì là gần, lay động, để mắt nhìn vào khoảng trống như nhìn cây cối, mây bay.

Khuyến cáo cùa chuyên gia

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Khi tiếp xúc nhiều với công nghệ (smartphone, máy tính bảng, máy tính bàn…), trẻ chỉ nhận được thông tin một chiều chứ không nhận được sự phản hồi, trao đổi.

Đồng thời, sự giao tiếp trực tiếp của trẻ sẽ bị hạn chế, từ đó trẻ sẽ không biết cách dùng từ ngữ sao cho phù hợp để ứng xử với các mối quan hệ xung quanh, không có khả năng phân tích, trao đổi bất kỳ một vấn đề nào đó trong thực tế cuộc sống. Về lâu dài trẻ sẽ không biết bộc lộ cảm xúc với mọi người xung quanh, kể cả những người trong gia đình.

ThS tâm lý Vũ Cẩm Vân

Hạn chế sử dụng smartphone để làm gương cho con trẻ. Nếu bố mẹ luôn cắm mặt vào điện thoại thì trẻ cũng sẽ làm y hệt vậy. Khi phụ huynh dùng mà không cho phép trẻ dùng thì trẻ cảm thấy uất ức, có thể hình thành những cảm xúc tiêu cực.

Không chỉ vậy, việc cả gia đình cứ “đắm chìm” vào các thiết bị công nghệ sẽ khiến sự gắn kết giữa các thành viên lỏng lẻo, dễ xảy ra mâu thuẫn vì không hiểu nhau.

Một số phụ huynh dần phá vỡ những nguyên tắc khi cho con sử dụng thiết bị công nghệ theo cảm xúc, chẳng hạn như lúc thích thì cho, lúc không thích thì cấm. Chính vì vậy trẻ ngày càng coi thường những nguyên tắc, không hiểu đâu là được phép, đâu là không được phép. Đó là lý do vì sao tính bướng bỉnh của trẻ ngày càng “leo thang”.

Qua đó, các chuyên gia khuyên phụ huynh phải có cách quản lý thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của con; định hướng cách sử dụng sao cho hợp lý, phù hợp với lứa tuổi, mục đích sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho con và gia đình.

Yhocvn.net (Theo Tuoitre.vn)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook