Thứ Ba, 31/10/2017 | 17:22

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến rất nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài việc giữ ấm cơ thể, tăng cường dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng, phụ huynh cần biết cách đếm nhịp thở để cứu trẻ khỏi viêm phổi…

Dấu hiệu bệnh viêm phổi

Bệnh viêm phổi có biểu hiện rất đa dạng và phức tạp. Giai đoạn sớm: có thể chỉ có sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc…

Giai đoạn sau: trẻ không được điều trị đúng và theo dõi sát có thể diễn biến nặng hơn với biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi…

Viêm phổi có thể dẫn đến tử vong

Theo các chuyên gia y tế, viêm phổi là bệnh thường gặp và là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Xét tỷ lệ, trẻ càng nhỏ tỷ lệ tử vong do viêm phổi càng cao.

Nguyên nhân gây viêm phổi thường là do virus gây ra và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện, việc xử lý bệnh chủ yếu dựa vào chăm sóc đúng cách và giải quyết triệu chứng sốt, ho, ngạt mũi…

Phương pháp đếm nhịp thở

Ths.Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết gia đình có thể kiểm tra trẻ có bị viêm phổi bằng cách đếm nhịp thở của trẻ có nhanh hay không trong đủ 1 phút. Khi quan sát nhịp thở phụ huynh sẽ sớm phát hiện con mình mắc bệnh ở mức độ nào để kịp thời nhập viện.

Đếm nhịp thở của trẻ trong đủ 1 phút giúp phát hiện trẻ bị viêm phổi

Trẻ được coi là thở nhanh nếu: Trẻ < 2 tháng tuổi, nhịp thở > 60 lần/phút; Trẻ 2 – 11 tháng tuổi, nhịp thở > 50 lần/phút; Trẻ 12 – 60 tháng tuổi, nhịp thở > 40 lần/phút.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi

– Hạ sốt cho trẻ

– Chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).

– Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

– Vỗ lưng và giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả

Ngoài những phương pháp trên có thể vỗ lưng cho trẻ để làm thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, yêu cầu các cháu ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Trường hợp đối với trẻ nhỏ, điều dưỡng có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi hầu họng khi trẻ không tự ho khạc ra được.

Yhocvn.net (Theo nguồn giadinh.net.vn)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook