Thứ Tư, 08/11/2017 | 12:10

Tin vào mẹo dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng phản khoa học, người mẹ trẻ đã nhỏ sữa mẹ chữa đau mắt cho con, giờ ân hận, xót xa nhìn đứa con trước nguy cơ bị thủng giác mạc, nổi bong bóng mắt.

Loét, thủng giác mạc do nhiễm trùng nặng.

Tại Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, bé Đinh Phương Thảo (16 ngày tuổi, quê xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) không thể tự mở mắt được, có dấu hiệu loét, thủng giác mạc. Trước đó, mặc dù sinh non ở tuần 37 nhưng bé có chỉ số cân nặng 2,5kg, đôi mắt và sức khỏe hoàn toàn bình thường.

Ảnh minh họa

Do gia đình không hiểu biết nên đã dùng phương pháp dân gian là nhỏ sữa mẹ vào mắt cho con khi mắt bị đau khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng rất nhanh, dẫn tới loét, thủng giác mạc do nhiễm trùng nặng.

Chị Đinh Thị Sinh (19 tuổi, mẹ bé Thảo) cho biết, khi bé Thảo sinh được hai ngày thì gia đình phát hiện con bị đau mắt. Sau khi đưa con đi thăm khám và nhỏ thuốc do Trung tâm y tế huyện Phù Yên kê, tình trạng mắt của bé Thảo vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí, mắt bé ngày càng sưng to hơn.

Sang đến ngày thứ 7 nhỏ thuốc cho con theo đơn của Trung tâm, thấy mắt con sưng phù nề có nhiều rỉ, mắt không tự mở được, lúc này, gia đình đã vài lần dùng sữa mẹ nhỏ cho bé Thảo. Tình trạng đau mắt của bé Thảo càng trở nên nặng và phải chuyển xuống Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị.

Chị Sinh tâm sự “Mọi người tới chơi khuyên tôi con bị đau mắt thì chỉ sữa mẹ vài ngày sẽ khỏi vì ở quê cũng có những trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt và đã được chữa khỏi bằng phương pháp ấy.

Tôi thực hiện nhỏ sữa cho con được hai ngày thì mắt con sưng to, chảy mủ trong mắt. Thấy tình trạng con nặng tôi đưa con xuống Trung tâm y tế xã Mường Bang, sau đó bác sĩ giới thiệu xuống Trung tâm y tế huyện Phù Yên. Điều trị được hai ngày mắt con tôi bên trong nổi bong bóng, bác sĩ nói mắt con tôi sắp hỏng phải lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

Tôi rất lo lắng khi nhìn con vẫn ăn, ngủ, vẫn khóc nhưng đôi mắt thì không thể tự mở. Mỗi lần nhìn con, nghe tiếng con khóc tôi cũng không cầm được nước mắt”.

Bé Thảo nhập Bệnh viện mắt Trung ương ngày 5/11. Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé Thảo bị loét thủng giác mạc hai mắt. Chị Sinh nghẹn ngào “Lúc này tôi chỉ mong sao các bác sĩ có thể chữa khỏi mắt cho con để con có thể nhìn thấy ánh sáng như bao đứa trẻ khác. Tôi thực sự rất sợ và hối hận vì không đưa con đi khám bệnh viện chuyên khoa sớm tin theo mẹo dân gian mới để tình trạng con trở nên nặng như vậy”.

Nhỏ sữa mẹ điều trị đau mắt là phương pháp phản khoa học

Từ trường hợp đáng tiếc trên, BS Trần Thu Hương, Khoa mắt Trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ “Mọi người vẫn nghĩ sữa mẹ là tốt có kháng thể có thể chữa được rất nhiều bệnh trong đó có đau mắt. Nhưng thực tế khi nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh nhiễm trùng của bệnh nhi Thảo diễn biến rất nhanh và nặng”.

Trước câu hỏi về việc, sau khi sinh, trẻ sơ sinh thường có rỉ mắt, các phụ huynh cần tuân thủ những nguyên tắc nào để đảm bảo vệ sinh cho trẻ, Ths.BS Trần Thu Hương cho biết, việc cần thiết là phải vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý ; đưa trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa về mắt để có hướng điều trị đúng. Đặc biệt, tránh phương pháp dân gian nhỏ sữa hay dùng các loại thuốc lá nhỏ mắt cho trẻ. Phương pháp này rất nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi khiến cho bệnh lý tiến triển rất nhanh. Trước khi nhỏ mắt cho trẻ cần phải rửa sạch tay.

Cuối cùng, TS. Nguyễn Xuân Tịnh, quyền Trưởng khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện mắt Trung ương nhấn mạnh, nhỏ sữa mẹ điều trị đau mắt là một phương pháp phản khoa học. Không có chuyện đứa trẻ bị đau mắt nhỏ sữa mẹ sẽ khỏi.

Thực tế trẻ khỏi đau mắt là do miễn dịch của cơ thể khỏe lên chứ không liên quan tới nhỏ sữa vào mắt. Rất nhiều bệnh nhi bị đau mắt bệnh, sau khi nhỏ sữa mẹ vào mắt bệnh đã tiến triển rất nặng và nhanh, do đó người dân không nên mù quáng nghe theo những phương pháp chữa mẹo trong dân gian để tránh những trường hợp tương tự có thể sẽ xảy ra.

Yhocvn.net (Theo nguồn tin soha.vn)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook