Trong lúc vừa chơi điện thoại vừa sạc pin, điện thoại bất ngờ phát nổ khiến bàn tay phải của bé trai bị dập nát.
Trưa ngày 28/4, trên trang facebook cá nhân của tài khoản L.V đã cho đăng tải hình ảnh và status về việc một bé trai bị dập nát bàn tay phải do vừa sạc pin vừa chơi game trên điện thoại khiến nhiều người không khỏi hoang mang.
“Ôi mẹ tớ làm ở phòng mổ nhắn tin cho. Mọi khi chỉ nghĩ là ghép ảnh hay là giật tít gì đó thôi, ai ngờ nó có thật, mọi người thật để ý nhé. Giờ sẽ không bao giờ vừa sạc vừa chơi điện thoại nữa”, L.V chia sẻ.
Bé trai đau đớn sau khi bị dập nát bàn tay.
Trao đổi với chúng tôi, L.V cho biết sự việc diễn ra vào trưa ngày 28/4 tại bệnh viện thành phố Sơn La. L.V được mẹ gửi cho những tấm hình này và vô cùng lo sợ nên cô đã chia sẻ lên facebook để cảnh báo mọi người.
Liên lạc với mẹ của L.V, bác sĩ Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức bệnh viện thành phố Sơn La, bác sĩ này cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp của bé trai tên L.V.Y (8 tuổi, trú tại Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La) trong tình trạng tay phải bị thương nặng, toàn bộ ngón tay của bàn tay phải bị dập nát.
Ngay sau đó, các bác sĩ lập tức tiến hành phẫu thuật cắt làm mỏm cụt, khâu lại các vết thương. Đến hơn 12h trưa, ca phẫu thuật kết thúc. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Be trai bị thương nặng bàn tay phải. Ảnh: Facebook L.V
Theo lời nạn nhân kể lại, khi cháu đang sử dụng điện thoại của bố để vừa chơi vừa sạc pin cho máy thì điện thoại bất ngờ cháy kèm theo nhiều tiếng nổ dẫn khiến tay phải của cháu bị thương nặng.
Thông qua trường hợp này, các bác sĩ cũng cảnh báo mọi người không nên vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Một số mẹo thông thường có thể bảo vệ bạn và thiết bị của bạn khỏi việc phát nổ
Các cảnh báo thông thường cho thấy điện thoại của bạn đã bị hỏng và có thể phát nổ khi chúng phát ra các âm thanh rít lên, tiếng nổ lốp bốp hoặc phồng lên. Lúc này bạn nên:
– Dừng sạc điện thoại nếu nó trở nên quá nóng: Việc này cho phép điện thoại của bạn có thời gian để hạ nhiệt trước khi sạc lại và đảm bảo bạn không đặt vật gì ngăn cản khả năng thoát nhiệt của điện thoại.
– Sử dụng sạc chính hãng: sử dụng sạc của hộp theo máy sẽ đảm bảo điện thoại của bạn nhận được dòng điện và điện thế tối ưu. Nếu bạn sử dụng một chiếc điện thoại với cổng sạc USB Type-C hay cổng sạc nhanh Quick Charge, tốt hơn bạn nên dùng cả cáp sạc đi theo máy.
– Đừng sạc điện thoại khi ở trên giường: Một thú vui của nhiều người là xem video hay đọc sách bằng điện thoại trên giường trước khi đi ngủ, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn không để điện thoại bị cuộn lại và làm nó bị quá nóng. Ngoài ra, cũng nên tránh việc đặt điện thoại dưới gối khi sạc vì nó là nguyên nhân làm điện thoại nóng lên.
– Quan tâm đến nơi sạc điện thoại của bạn: Tránh sạc trong thời gian dài ở những nơi quá nóng, ví dụ như cạnh bộ tản nhiệt, trên bảng điều khiển ô tô, hay trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời trong những ngày nóng.
Nếu bạn nhận thấy pin của bạn đang bị phồng lên, hãy rút sạc điện thoại và tháo pin ra, nhưng chỉ với loại điện thoại có pin rời. Đừng vứt pin hay thiết bị của bạn vào thùng rác. Hãy đưa pin của bạn đến các cơ sở loại bỏ đồ điện tử được ủy quyền hoặc các nhà bán lẻ đồ điện tử.
Nếu pin và thiết bị của bạn bị hỏng do việc pin bị phồng hoặc phát nổ, hãy đưa chúng đến nhà bán lẻ mà bạn đã mua hoặc liên hệ với nhà sản xuất. Bạn sẽ được thay thế pin hoặc đổi mới thiết bị, đặc biệt là nếu còn bảo hành.
Theo Định Nguyễn – Thùy Chi/Trí Thức Trẻ
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.