Theo kết quả 3 lần hội chẩn của hội đồng chuyên môn 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Bạch Mai – Bệnh viện 103 – Bệnh viện 108 khẳng định, cô giáo bị liệt tứ chi không liên quan tới việc tiêm thuốc Nefopam 20mg vào mông tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang.
Trước đó cô giáo Hồ Thị Thảo (Hà Giang) được chuyển đến Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán: liệt tứ chi, hai chi dưới liệt hoàn toàn, chi trên liệt nhẹ; tiểu khó; mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống toàn bộ (cổ, lưng, thắt lưng) cho thấy: Chưa thấy tổn thương tủy, chưa thấy dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh. Kết quả điện cơ cho thấy: Tốc độ dẫn truyền các dây thần kinh ngoại vi bình thường, sóng F bình thường, mất phản xạ H hai bên.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân Thảo, ảnh BVCC.
Đến ngày 6/7, sau khi được điều trị tích cực, chị Thảo tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hợp tác với bác sỹ khám bệnh. Hội đồng chuyên môn tại Bệnh viện Bạch Mai đã kết luận sơ bộ. Chị Thảo mắc phải hội chứng liệt mềm 02 chi dưới – đề nghị làm lại và làm thêm một số xét nghiệm, thăm dò chức năng để chẩn đoán nguyên nhân và chẩn đoán xác định: Điện cơ (làm lại); Chụp cộng hưởng từ sọ não; Điện não đồ; Xét nghiệm dịch não tủy; Xét nghiệm nước tiểu, Porphirin niệu…
Đến ngày 11/7/2017, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi hội chẩn liên viện với sự chủ trì của GS.TS Ngô Quý Châu và sự tham gia của bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103. Hội đồng đã thống nhất chẩn đoán: Hội chứng liệt mềm 2 chi dưới ngoại biên, có yếu tố rối loạn phân ly đồng diễn, nhiễm khuẩn tiết niệu do Streptococcus agalactiae. Người bệnh liệt mềm 2 chi dưới hoàn toàn không phải do tiêm thuốc Nefopam 20mg vào mông tại BVĐK tỉnh Hà Giang.
Tình hình sức khỏe của bệnh nhân Thảo hiện nay bình phục tốt, các ngón chân trái của bệnh nhân bắt đầu hồi phục vận động. Dự kiến bệnh nhân sẽ được phối hợp điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Trung tâm Phục hồi chức năng BV Bạch Mai.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.