Nếu người Trung Quốc qua cửa khẩu Việt Nam phát hiện có nguy cơ nhiễm virus Zika, Sở Y tế sẽ trao đổi trực tuyến để phía Trung Quốc đưa người về.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố số liệu 54 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika từ 01/2007 đến 07/03/2016. Trong đó, 3 nước láng giềng của Việt Nam là Lào, Trung Quốc và Campuchia cũng đã xuất hiện loại virus này.
Trước diễn biến lây lan phức tạp, khẩn cấp của virus Zika, đã áp sát biên giới Việt Nam, Bộ Y tế đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp phòng chống loại virus nguy hiểm này.
Tại các địa phương, qua tìm hiểu của Đất Việt đã ghi nhận sự mạnh tay vào cuộc của Sở Y tế các tỉnh biên giới giáp với 3 quốc gia trên.
Đặc biệt ở Lào Cai, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Minh cho hay, là địa phương với hơn 200km đường biên giới giáp với Trung Quốc, các biện pháp phòng chống dịch nói chung, dịch Zika nói riêng và trước đó đã được triển khai đồng bộ từ rất lâu ở các cửa khẩu vào trong địa bàn tỉnh. Các đơn vị dự phòng, các tuyến từ tỉnh, huyện xã đều có bộ phận đáp ứng nhanh phòng chống dịch vào.
“Chúng tôi đã có sự phối hợp trực tuyến với cơ quan y tế tại Trung Quốc, 2 bên có sự trao đổi, thỏa thuận khi có sự cố từ mỗi bên có thể trao đổi nhanh chóng. Giả dụ trong trường hợp phát hiện người từ nước bạn có nguy cơ lây nhiễm virus Zika thì sẽ có trao đổi trực tuyến với cơ sở y tế từ Trung Quốc.
Sau đó tiến hành biện pháp cách ly tại nước mình và sau đó trao người cho nước bạn để có các biện pháp phòng ngừa nhanh chóng. Đây cũng là điều nước bạn hài lòng và thỏa thuận giúp nhanh chóng hơn trong việc phát hiện, và phòng ngừa các chủng loại virus nói chung đã được thực hiện từ nhiều năm nay”, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết.
Ngoài ra, hệ thống giám sát dịch tại các đơn vị, các trạm y tế đều rất tốt, nếu có vấn đề bất thường thì hệ thống báo cáo theo dõi 24/24 sẽ có thông báo sớm, các phòng cách ly với đầy đủ các thiết bị y tế hỗ trợ cũng được các đơn vị yêu cầu chủ động chuẩn bị.
Theo nhận định của Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, ông Lê Ngọc Châu cho hay đã chỉ đạo tuyến dưới triển khai tất cả các biện pháp được Bộ y tế phân công, giao nhiệm vụ. Hiện nay trên trang web của Sở Y tế Hà Tĩnh đã công bố các thông tin tuyên truyền, các hội nghị tập huấn cán bộ về loại virus mới này để người dân tiện theo dõi.
Bác sĩ Trần Xuân Dâng – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn. Ảnh: Sở Y tế Hà Tĩnh |
Tại Quảng Trị, Ths. BS. Mai Năm, Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách Công tác dự phòng cho hay khai báo y tế, kiểm tra y tế, kiểm tra thân nhiệt ở cửa khẩu đã được tập huấn và tăng cường.
“Chúng tôi cũng đồng thời tuyên truyền cho những người dân thông qua biên giới và người dân ở cơ sở các dấu hiệu của virus Zika, từ đó nhắc nhở bà con sớm tới cơ sở y tế để khám bệnh nếu có các dấu hiệu nghi ngờ.
Tất nhiên, khó khăn là có đối với các con đường tiểu ngạch mà người dân qua lại giữa 2 nước, song chỉ có việc tuyên truyền cho người dân tới khám tại các cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ thì mới có thể kiểm soát được”, Ths. BS. Mai Năm cho biết.
Khi phát hiện ổ dịch sẽ lập tức phối hợp
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, ThS. BS. Đào Duy Khánh cho hay, các cơ quan và bộ phận tuyến dưới của Sở này đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa virus Zika và tập huấn cán bộ về phác đồ chẩn đoán điều trị theo đúng chỉ đạo từ Bộ Y tế. Về phía tỉnh, tôi đã có tham mưu cho UBND tỉnh cùng các sở ngành tập trung phòng chống virus này.
Địa bàn tỉnh Kon Tum giáp ranh với cả 2 quốc gia Lào và Campuchia song chỉ có 1 cửa khẩu là Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Tại đây, Sở Y tế Kon Tum cũng đã tiếp tục chuẩn bị các công tác phát hiện, soi chiếu thân nhiệt… nhằm sớm phát hiện các trường hợp nguy cơ lây nhiễm từ phía nước bạn sang.
“Tuy nhiên, trường hợp nghi lây nhiễm virus Zika từ Lào là họ đi vùng dịch về chứ không phải là ổ dịch ở nước bạn, trong khi tại Lào cũng đã có các biện pháp cách ly y tế. Khi phát hiện ổ dịch ở Lào hay Campuchia thì 3 nước sẽ phối hợp lại để có các biện pháp phản ứng nhanh nhất”, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum nói.
Cúc Phương
Nguồn: Báo Đất Việt
Chưa có bình luận.