Thứ Hai, 21/09/2015 | 05:59

Tư vấn kế hoạch hóa gia đìnhTư vấn kế hoạch hóa gia đình

Việt Nam mỗi năm có khoảng 1 triệu trường hợp phá thai, tương ứng với 51,9 trường hợp phá thai/100 trường hợp sinh sống, đặc biệt là tại miền Đông Nam bộ với tỷ lệ là 80%.

Số liệu trên được công bố tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp do Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Bác sỹ không biên giới Cộng hòa Pháp và Hội Phụ sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam tổ chức.

Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ phá thai là 83/1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tỷ suất phá thai là 2,5 lần/phụ nữ; nghĩa là mỗi phụ nữ Việt Nam sẽ có 2,5 lần nạo hút thai trong cả cuộc đời sinh đẻ của mình.

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Minh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhấn mạnh phá thai ngoài ý muốn là vấn đề thường gặp trong toàn xã hội. Phá thai không phải là một biện pháp tránh thai.

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á và là một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao. Tại Việt Nam, dịch vụ phá thai được coi là hợp pháp và luôn sẵn có tại mỗi tuyến được phân cấp trong hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu của người phụ nữ.

Chính vì vậy, phá thai thực sự là một thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mặc dù tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng.

Thạc sỹ Đặng Văn Hải (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Vĩnh Phúc) cho biết: Theo nghiên cứu “Tình hình phá thai đến 12 tuần và đánh giá sự hiểu biết về các biện pháp tránh thai của phụ nữ đến phá thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Vĩnh Phúc” cho thấy các lý do phá thai gồm đủ con (34,2%), con còn nhỏ (22,5%), chưa chồng (17,5%), công tác học tập (5,4%) và lý do khác (11,2%).

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho biết 100% đối tượng được phỏng vấn biết ít nhất một biện pháp tranh thai; tỷ lệ hiểu đúng về thời điểm sớm nhất nên áp dụng các biện pháp tránh thai sau đẻ và sau phá thai còn thấp (20,4% sau đẻ và 42,9% sau phá thai).

Theo bác sỹ Minh, lý do để người phụ nữ muốn chấm dứt thai kỳ thường được đưa ra nhất là muốn trì hoãn việc có con. Sau đó là các lý do liên quan đến yếu tố kinh tế xã hội như kinh tế khó khăn, không đảm bảo việc nuôi con, mới đi làm công việc chưa ổn định, đang trong thời gian đi học…

Một số ca phá thai được thực hiện từ sức ép của xã hội như phá thai lựa chọn giới tính, chưa kết hôn… Bên cạnh đó, sự thiếu tiếp cận với các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả cũng như việc sử dụng không đúng các biện pháp tránh thai dẫn đến tình trạng phá thai ngày càng tăng.

Cũng tại hội nghị, hơn 40 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung vào các chuyên đề như phụ khoa, sản khoa – sơ sinh, hỗ trợ sinh sản – chẩn đoán trước sinh – kế hoạch hóa gia đình.

Nhiều tham luận đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu như phẫu thuật tạo hình trong điều trị bảo tồn ung thư vú; nhận xét phẫu thuật nội soi cắt tử cung trong một số trường hợp u nguyên bào nuôi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2013 – 2014; hồi sức trẻ trong giai đoạn sơ sinh; sàng lọc sơ sinh nguy cơ cao và chẩn đoán các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh axit amin, axit hữu cơ và axit béo trong chín năm tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook