Thứ Sáu, 05/05/2017 | 05:55

“Về mức độ ảnh hưởng của trí não như thế nào thì có thể 1 vài tháng sau, khi các bé đi học mới có thể biết được”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, mùa hè cũng là thời điểm nhiều trẻ em mắc viêm não Nhật Bản. Để xác định bệnh nhân có bị viêm não Nhật Bản B hay không, các bác sĩ phải làm một số xét nghiệm liên quan.

Bệnh thường bùng phát từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh điểm của dịch bệnh thường vào các tháng 6, 7 hàng năm. Các ổ bệnh này có trong tự nhiên và đối tượng trung gian truyền virus gây viêm não Nhật Bản là muỗi.

Viêm não Nhật Bản xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não – màng não tuỷ, nhiều người mắc, tử vong rất cao, sau đó lan sang các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Mức độ nguy hiểm của bệnh này khiến nhiều người lo ngại, bởi không chỉ nguy hiểm ở thời điểm người bệnh bị nhiễm virus mà di chứng để lại cho người bệnh là rất nặng nề.

Viêm não Nhật Bản: Di chứng thấy ngay còn hậu quả này chỉ đánh giá được khi đi học

Ảnh minh họa

Những di chứng phải kể đến của viêm não Nhật Bản như liệt hoàn toàn, cấm khẩu. Đó là những trường hợp nặng nhất.Với những di chứng nhẹ hơn, người bệnh có thể bị liệt 1 chân hoặc 1 tay, điếc, lác mắt… Đặc biệt ảnh hưởng tới trí não khi người bệnh sẽ học kém, tiếp thu chậm.

“Nhưng dù di chứng ở mức độ nặng hay nhẹ thì về mặt thần kinh, bệnh nhân đều bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, virus viêm não Nhật Bản tấn công tới hệ thần kinh trung ương của con người, gây xung huyết, phù nề và xuất huyết vi thể ở não.

Loại virus này có thể huỷ hoại tế bào thần kinh, thoái hoá tổ chức não, viêm tắc mạch, chủ yếu xảy ra ở vùng chất xám, não giữa và thân não dẫn đến hội chứng não cấp.

Những di chứng ấy, khi khám, chúng tôi có thể nhìn thấy ngay với người bệnh. Còn về mức độ ảnh hưởng của trí não như thế nào thì có thể 1 vài tháng sau, khi các bé đi học mới có thể biết được”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, virus viêm não Nhật Bản không loại trừ một ai nhưng đối tượng hay gặp nhất là trẻ em có độ tuổi từ 3 – 15 tuổi. Vì kháng thể ở trẻ em ít, sức đề kháng không bằng người lớn.

Với những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường nhưng tự nhiên bị sốt cao trong 2 – 3 ngày liên tục, sau đó co giật, hôn mê nhanh, đó là những thể nặng hoặc thể nhẹ hơn thì bị lơ mơ, lú lẫn, rối loạn về tinh thần, nói làm nhảm…

Khi thấy trẻ có biểu hiện như trên, các bậc phụ huynh cần đưa ngay con tới các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán bệnh, có hướng điều trị kịp thời.

Bệnh nhân nhập viện thường nặng

“Bệnh nhân đưa vào khoa chúng tôi cấp cứu thường trong tình trạng đã rất nặng. Có những đứa trẻ bị hôn mê, co giật, liệt, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, rối loạn thần kinh, có nhiều đứa trẻ đã ngừng thở…Với từng biểu hiện của trẻ, chúng tôi phải có những biện pháp cấp cứu phù hợp. Có nhiều bệnh nhân sau 1 – 2 tuần được chúng tôi chữa khỏi, bệnh nhân dần hết sốt, đỡ co giật, tỉnh táo và ăn uống được.

Cũng có bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng để làm được điều đó phải đảm bảo hai điều kiện là phát hiện bệnh sớm và chữa sớm.Với những trường hợp bị viêm não Nhật Bản mà để lại di chứng, chúng tôi thường gửi bệnh nhân sang các khoa phục hồi chức năng hoặc người bệnh có thể tới các cơ sở đông y để châm cứu”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để phòng viêm não Nhật Bản, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời khuyên, do virus viêm não Nhật Bản được muỗi làm trung gian phát tán nên khi đi ngủ chúng ta cần mắc màn hoặc sử dụng các loại thuốc xịt thảo dược ngoài da nhằm chống muỗi đốt.

Bên cạnh đó, các cửa sổ, cửa chính trong nhà nên gắn lưới chống muỗi. Mỗi người cần tạo thói quen đi ra ngoài vào ban đêm nên mặc quần áo dài, đi tất. Thường xuyên dọn dẹp cống rãnh, ao tù nước đọng quanh nhà để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi.

Thống kê cho thấy, có khoảng 30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản nhập viện bị tử vong. Trong những bé sống sót thì 30-45% số trẻ bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.

Thủy Nguyên

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook