Nếu bạn bị đau thắt lưng, hãy coi chừng đó có thể không phải là bệnh lý vùng cột sống mà là bệnh lý khớp cùng chậu – một nguyên nhân phổ biến của đau thắt lưng thấp.
Nếu bạn bị đau thắt lưng, hãy coi chừng đó có thể không phải là bệnh lý vùng cột sống mà là bệnh lý khớp cùng chậu – một nguyên nhân phổ biến của đau thắt lưng thấp. Tình trạng này có thể làm một số hoạt động thường ngày như ngồi, đứng, đi bộ và thậm chí là ngủ trở nên khó khăn.
Tỷ lệ bệnh lý khớp cùng chậu xảy ra ở 30% bệnh nhân đau thắt lưng thấp. Thật đáng buồn, khi có nhiều bệnh nhân mất hàng tháng, hoặc hàng năm mà không được chẩn đoán đúng. Điều này là bởi vì khớp cùng chậu nằm rất gần khớp háng và cột sống thắt lưng, nhiều khi bị chẩn đoán nhầm sang các nguyên nhân khác gây đau thắt lưng như thoát vị đĩa đệm hoặc phình đĩa đệm.
Nguyên nhân viêm khớp cùng chậu có thể do viêm xương khớp cột sống. Khi sụn khớp cùng chậu bị tổn thương làm cho phần xương bên dưới bị cọ sát với nhau.
Mang thai: do trong thời gian mang thai, khớp cùng chậu của người phụ nữ bị kéo giãn và trở nên lỏng lẻo. Sự thay đổi của hormon và cân nặng tăng lên khi mang thai tạo nên lực tác động lên khớp cùng chậu.
Chấn thương: va chạm đột ngột cũng có thể phá hủy khớp cùng chậu.
Có thể do nhiễm khuẩn khớp cùng chậu nhưng nguyên nhân này rất hiếm gặp.
Những dấu hiệu đau điển hình
Triệu chứng chính của bệnh lý khớp cùng chậu là đau thắt lưng, nhưng cũng có thể đau ở háng, mông hoặc đùi. Người bệnh thấy đau khi làm những hoạt động hàng ngày, như leo cầu thang hoặc đứng dậy khỏi ghế. Đau tăng khi đứng hoặc đi lại một lúc, nhưng sẽ hết khi nằm nghỉ. Cảm giác cứng hoặc rát bỏng phía sau khung chậu.
Chẩn đoán chính xác, khó hay dễ?
Vị trí đau là cực kỳ quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý khớp cùng chậu. Biểu hiện của bệnh nhân cho thấy đau khớp cùng chậu đặc trưng với tính chất đau ở giữa cột sống bên dưới đốt sống L5 (đốt sống dưới cùng của cột sống thắt lưng) hoặc ở vùng mông.
Trong khi bệnh nhân ngồi, đánh giá liệu rằng họ có phải ngồi bằng bên hông không đau?
Bệnh nhân chỉ vị trí đau trong khi đứng.
Bệnh nhân thấy căng ở vùng khớp cùng chậu hoặc ở vùng xương cùng.
Các nghiệm pháp khám đánh giá bệnh lý khớp cùng chậu: nghiệm pháp giãn khung chậu, nghiệm pháp đẩy đùi, nghiệm pháp FABER, nghiệm pháp ép khung chậu, nghiệm pháp Gaenslen
Nếu có từ 3 nghiệm pháp trở lên dương tính thì điều đó chứng tỏ bệnh nhân bị bệnh lý khớp cùng chậu.
Tiêm khớp cùng chậu để chẩn đoán: bác sĩ có thể tiêm thuốc giảm đau (Lidocain) vào khớp cùng chậu dưới sự hướng dẫn của Xquang. Nếu sau tiêm bệnh nhân đỡ hoặc hết đau, chứng tỏ đây là nguồn gây đau.
Phương pháp điều trị
Có rất nhiều phương pháp điều trị tình trạng này. Nhưng trước tiên bạn hãy thử loại bỏ những hoạt động gây đau cho bản thân. Bước tiếp theo để điều trị bệnh lý khớp cùng chậu là một sự phối hợp của nghỉ ngơi, dùng thuốc và vật lý trị liệu.
Điều trị bằng thuốc
Có rất nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lý khớp cùng chậu. Đầu tiên, bác sĩ sẽ cho bạn uống những thuốc giảm đau và chống viêm không steroid thông thường/phổ biến.
Nếu những thuốc này không có tác dụng, bác sĩ có thể kê thuốc corticosteroid. Thuốc này có thể được sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm vào khớp cùng chậu. Các thuốc này có tác dụng giảm viêm rất mạnh, giúp giảm đau trong vài tháng. Do các thuốc corticosteroid có những nguy cơ và tác dụng phụ (như loãng xương và tăng cân), nên các thuốc này phải được sử dụng đúng cách và có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Điều trị bằng vật lý trị liệu
Khớp cùng chậu có vai trò trợ đỡ cho nửa trên cơ thể cho nên khi chúng ta đứng hoặc ngồi, qua thời gian sẽ có những sang chấn lên khớp này. Vật lý trị liệu có thể giúp loại bỏ các sang chấn này. Những bài tập vận động đặc biệt (như những bài tập tầm vận động, những bài tập căng cơ) giúp tăng sức mạnh của khớp cùng chậu, ngoài ra có thể phối hợp các bài tập lưng, bài tập bụng. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp chúng ta duy trì sự linh hoạt/mềm dẻo của khớp, điều này đặc biệt quan trọng ở những người có tuổi. Ngoài ra cũng nên tập thêm các bài tập lưng vì những bài tập này giúp duy trì cột sống chúng ta khỏe mạnh và có thể ngăn ngừa đau thắt lưng.
Các phương pháp điều trị khác
Những kỹ thuật giảm đau can thiệp:
• Sóng cao tần: tác động vào các đầu mút thần kinh cảm giác khớp cùng chậu.
• Kích thích điện: kích thích vào thần kinh và cơ xung quanh khớp cùng chậu.
Nẹp hoặc dây đai khớp cùng chậu: chúng được đeo vòng quanh hai hông để buộc chặt khớp cùng chậu với nhau.
Thật may mắn, hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt với sự kết hợp của các phương pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, nếu các phương pháp này không có hiệu quả có thể bạn sẽ cần phẫu thuật.
Điều trị bằng phẫu thuật
Mặc dù phẫu thuật hiếm khi được chỉ định để điều trị bệnh lý khớp cùng chậu, nhưng có một số phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị bệnh lý khớp cùng chậu.
Các phương pháp này gồm cố định khớp cùng chậu hoặc hàn cứng khớp cùng chậu. Phương pháp phẫu thuật được sử dụng khi bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn trên.
TS.BS. Nguyễn Hoàng Long
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.