Viêm họng rất dễ gặp vào thời điểm giao mùa, tuy nhiên có những hậu quả do căn bệnh này để lại khiến nhiều người phải cảnh giác.
Thời tiết đang trong những ngày ẩm ướt, thời tiết ban ngày nắng nóng nhưng ban đêm trở lạnh. Về khuya có lúc nhiệt độ xuống còn 13-14 độ C rất đễ bị nhiễm lạnh. Khi đi ra ngoài vào buổi tối, hoặc ban đêm ngủ không đủ ấm, ngủ nơi có gió lùa, uống nước đá lạnh có thể dẫn đến viêm họng
Chị Hương (Hà Nội) đang vật lộn với đợt viêm họng cấp kéo dài cả tuần chưa khỏi. Theo lời chị Hương, cứ vào mỗi đợt chuyển mùa, người chị thường xuyên bị viêm họng và ốm. Mới đây, do đi chơi buổi tối, không quàng khăn, gió lạnh tiếp xúc với cổ họng nên chị Hương bị viêm họng sau khi thức dậy.
Những tưởng cơn đau họng sẽ kết thúc nhanh chóng sau khi uống kháng sinh. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 ngày, chị Hương chưa khỏi. Khi thấy cơn đau càng tăng lên, chị Hương nhập viện và phải tiêm kháng sinh điều trị.
“Quá trình đau họng cấp khiến cổ họng của tôi bị sưng tấy kéo theo đó là họng bị mưng mủ màu trắng. Ăn hay nhai đều đau. Suốt 1 tuần tôi chỉ có ăn các đồ ăn loãng, đồ ăn mềm mới có thể nuốt được. Bác sĩ nói nếu không chữa kịp thời, dịch ra từ chỗ viêm có thể khiến tôi bị viêm nặng hơn”, chị Hương cho hay.
Cũng như chị Hương, con trai lớn của chị Thảo (phố Hồ Đắc Di, Hà Nội) cũng khổ sở với những ngày viêm họng lúc giao mùa. Do sức đề kháng yếu nên chỉ cần sơ sẩy một chút trong sinh hoạt, con của chị Hương có thể bị viêm họng rất nhanh.
“Thông thường, con tôi uống một chút nước có đá cũng viêm họng dẫn đến các đợt sốt kéo dài mấy ngày liền. Mỗi khi con viêm họng, tôi lại phải mua kháng sinh hoặc đưa đến bác sĩ. Quá trình này kéo dài nhiều năm nên tôi cũng lo không biết có ảnh hưởng gì về sức khỏe lâu dài hay không nữa. Tôi cũng có nghe nói ảnh hưởng đến khớp hoặc tim nhưng cũng không hiểu thực hư thế nào”, chị Hương cho hay.
Viêm họng dẫn đến căn bệnh nguy hiểm
Thực tế, viêm họng là bệnh phổ biến. Nhưng khi thay đổi thời tiết rất hay diễn ra. Vào thời điểm giao mùa số người mắc viêm họng tăng lên đáng kể. Bác sĩ tai – mũi – họng Tiến Minh cho hay, bệnh viêm họng vẫn thường được mọi người xem là bệnh không nghiêm trọng, không đáng lo ngại. Trên thực tế, nhiều người vẫn có thói quen tự uống kháng sinh. Nhưng không hề biết căn bệnh này có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các căn bệnh khác.
“Đáng lo ngại nhất là bệnh thấp tim. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân mắc do biến chứng từ viêm họng không phải nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ liên cầu khuẩn gây viêm họng ảnh hưởng đến tim hoặc thâm nhập gây bệnh cho tim. Loại liên cầu khuẩn là liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A”, bác sĩ cho hay.
Do vậy, không phải ai bị viêm họng cũng bị thấp tim chỉ khi liên cầu khuẩn nhóm A này tác động lên tim. “Bệnh thấp tim thường để lại hậu quả về sau như van tim bị tổn thương, vôi hóa hay dày van tim, hẹp van tim 2 lá… Bệnh nhân mắc bệnh về tim sẽ bị ngất xỉu đột ngột, mệt mỏi hoặc khó thở. Nếu nặng có thể phải phẫu thuật để thay van tim”, bác sĩ cho hay.
Trước khi có các dấu hiệu thấp tim, bệnh nhân có thể cảm thấy các cơn đau khớp. “Với trẻ em, có thể xuất hiện như khó cầm nắm, đánh rơi đồ vật đột ngột, tay chân quờ quạng, khó vận động”, bác sĩ cảnh báo.
Khi trẻ bị viêm họng, thay vì tự mua thuốc điều trị, gia đình nên đưa trẻ đi khám để điều trị dứt điểm. Sau khi khỏi rồi vẫn phải tái khám. Nếu không, bệnh quay lại, trẻ sẽ bị sốt cao và nặng hơn.
Nếu như có các dấu hiệu nặng phải đi khám kịp thời như mệt mỏi, sốt cao, khó nuốt, khó thở, chảy nước dãi nhiều có thể đã bị mắc viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A.
“Vào thời điểm giao mùa, cách tốt nhất là giữ ấm cho trẻ và người lớn, không uống các loại đồ uống có đá lạnh, ban đêm vẫn phải giữ ấm cổ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao sức đề kháng của cơ thể”, bác sĩ khuyên.
Đông Phong
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.