Thứ Năm, 10/09/2015 | 06:34

Sức khỏe – Mới đây tôi và chồng tôi cùng làm xét nghiệm cholesterol. Mặc dù hay ăn đồ béo nhưng kết quả của chồng tôi vẫn ổn – trong khi đó tôi có chế độ ăn cân đối và tập thể dục thường xuyên thì kết quả xét nghiệm lại không tốt. Bác sĩ có thể giải thích giúp tôi?

Bác sĩ trả lời:

Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi của chị là cơ chế hóa học trong cơ thể mỗi người khác nhau. Sự thật là cholesterol trong máu không chỉ liên quan đến những gì mà ta ăn vào, mà còn được sản xuất trong gan.

Vì thế một số người có thể có thể ăn chay hoàn toàn (nghĩa là không có chất béo từ sữa hoặc từ động vật) nhưng vẫn có lượng cholesterol cao nếu cơ thể sản xuất quá nhiều cholesterol.

Điều này được cho là do cấu tạo gen của mỗi người khác nhau, nhưng có lẽ đó không phải là cách giải thích duy nhất.

Ví dụ gần đây đã xuất hiện ý kiến cho rằng các vi khuẩn trong ruột cũng có tác động rõ rệt đến sinh lý của cơ thể, mặc dù điều này còn chưa được nghiên cứu rõ.

Điều mà chúng ta biết là phần lớn (khoảng 80%) cholesterol trong cơ thể là do chính cơ thể tạo ra – chỉ 20% là từ thức ăn. Chúng ta luôn cần cholesterol. Nó là vật liệu thô để từ đó tạo ra nhiều nội tiết tố, như oestrogen, cũng như là thành phần chủ chốt trong cấu trúc của thành tế bào.

Tuy nhiên, cholesterol là một loại chất béo. Do đó, nó không tan trong nước. Để được dòng máu vận chuyển đi khắp cơ thể, chất này phải gắn với protein. Những “quả bóng” chất béo/protein này được gọi là các lipoprotein, và chúng có 2 loại.

Khoảng 60 – 70% cholesterol được vận chuyển đi khắp cơ thể nhờ những lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Việc sản sinh quá mức chất này có thể gây tắc động mạch, vì LDL bám vào thành mạch máu.

Loại còn lại, lipoprotein tỉ trọng cao (HDL), vận chuyển 20 – 30% cholesterol. HDL cũng được gọi là cholesterol “tốt”, vì nó giúp loại bỏ LDL cholesterol “xấu”.

Mối lo ngại về cholesterol là nồng độ cao LDL liên quan mạnh mẽ với sự tích tụ mảng bám trong các động mạch quan trọng, hạn chế cung cấp ô xi và dưỡng chất cho tim – một hình ảnh kinh điển của bệnh mạch vành.

Nguy cơ của tình trạng này ở những người có cholesterol toàn phần 6,5 cao gấp đôi những người có nồng độ 5,2 (lời khuyên chính thức là nồng độ nên từ 5 trở xuống).

Vậy cách nào là tốt nhất để giảm cholesterol? Nếu bạn bị béo phì, giảm cân sẽ làm giảm phần nào nồng độ cholesterol.

Những điều quan trọng nhất là phải giảm lượng chất béo no. Gần đây có những ý kiến nhắc đến đường, cho rằng chất này có thể gây viêm và đóng vai trò trong bệnh tim – nhưng với tôi, bằng chứng cho thấy chất béo no vẫn là vấn đề.

Thường phải mất 6 – 12 tháng để đạt được mức giảm cholesterol tối đa có thể đạt được thông qua thay đổi chế độ ăn – và đây phải là sự thay đổi suốt đời.

Thay đổi hành vi của người bệnh là một trong những vấn đề lớn nhất mà các bác sĩ phải đối mặt, và thường thì chúng tôi phải nhượng bộ bằng cách kê đơn statin.

Với những người có tiền sử bệnh mạch vành hoặc đột quị, thì statin là thuốc giúp cứu sống tính mạng – điều đó không cần phải bàn cãi.

Nhưng với những người không có vấn đề gì về sức khỏe, statin vẫn đang gây tranh cãi: để cứu được 2 người, thì cần phải điều trị dài ngày cho 100 người.

Và điều này là có thể hiểu được, căn cứ vào chi phí, tỷ lệ tác dụng phụ ít và thực tế việc uống thuốc có thể là “phao cứu sinh” với những người không thực hiện được tất cả những bước quan trọng khác để tránh đau tim, như bỏ thuốc lá, tập luyện hàng ngày, chú ý đến huyết áp và, quan trọng nhất, thay đổi chế độ ăn? Lời khuyên của tôi là hãy thực hiện tất cả những qui tắc đã được thử thách và kiểm nghiệm này.

Chúng ta phải chấp nhận rằng chồng chị có vẻ là người may mắn về mặt cholesterol – nhưng vì tất cả những lý do khác – anh ấy cũng nên cố gắng thực hiện lối sống lành mạnh.

Cẩm Tú

Theo DM

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook