Theo lời cảnh báo của PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, tự ý dùng thuốc kháng sinh điều trị ho, tiêu chảy… khiến cho trẻ nhỏ và ngay cả người lớn cũng mắc phải hội chứng Steven Johnson (dị ứng, nhiễm độc).
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hội chứng Steven Johnson có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và cả ở người lớn.
“Hội chứng Steven Johnson có thể hiểu đơn giản là bị dị ứng, nhiễm độc. Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc gây ra. Hai nhóm thuốc điều trị dễ gây ra hội chứng Steven Johnson là thuốc kháng sinh nhóm sulfamid và thuốc chống động kinh nhóm tegretol”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hội chứng Steven Johnson còn được gọi là hội chứng dị ứng thuốc muộn, vì nó không xảy ra ngay khi dùng thuốc mà sau một hoặc vài ngày. Thậm chí có trường hợp sau 1 tuần kể từ khi uống thuốc.
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng này là người bệnh bị nổi ban đỏ trên người và có kèm theo sốt. Một số dấu hiệu sớm của hội chứng gồm có: nốt ban nước xuất hiện ở môi, lưỡi, niêm mạc miệng, chảy nước bọt nhiều, mắt bị viêm kết mạc hai bên, mũi viêm mũi, xung huyết, chảy máu mũi, trên da xuất hiện nhiều mụn nước hoặc ban xuất huyết…
Các ban này đặc biệt nặng nếu nổi và gây tổn thương ở các vùng niêm mạc, môi, miệng, bộ phận sinh dục, hậu môn… nó có thể gây trợt loét da ở vùng đó. Trên các vùng da có thể nổi ban sau đó sẽ xuất hiện các mụn nước, nếu vỡ có thể bị tróc toàn bộ da.
“Các ban nếu có ở miệng sẽ gây ra lở loét miệng khiến đứa trẻ đau đớn không ăn được. Các nốt mọng nước trên da khi vỡ gây trợt da trên diện rộng hoặc khắpcả cơ thể. Điều này khiến cho đứa trẻ bị mất nước, mất huyết tương dẫn tới biến chứng trụy mạch và tử vong. Những vết lở loét trên da nếu bị nhiễm trùng rất nguy hiểm. Có một số trường hợp bệnh nhân bị tổn thương thận, viêm thận….”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói
Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Hội chứng dị ứng thuốc muộn là hội chứng dị ứng, nhiễm độc rất nặng. Vì vậy, hầu hết các trường hợp khi mắc phải hội chứng này đều phải tới bệnh viện để điều trị. Các vết lở loét trên da sẽ được bôi thuốc chống nhiễm trùng.
Dùng thuốc kháng sinh bừa bãi có thể dễ mắc phải hội chứngSteven Johnson.
Trường hợp nặng hơn sẽ phải truyền dịch chống mất nước. Những trường hợp bị nhiễm trùng, sốt cao phải dùng thuốc kháng sinh điều trị. Những trường hợp dị ứng quá nặng gây tổn thương thận, bác sĩ sẽ phải cho thuốc điều trị riêng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hội chứng Steven Johnson hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách không tự ý dùng nhóm kháng sinh sulfamid và thuốc chống động kinh nhóm tegretol.
Đặc biệt, người dân Việt Nam vẫn còn duy trì thói quen khi ốm, ho, sốt… đều tự ý mua thuốc về điều trị. Việc tự dùng thuốc kháng sinh điều trị tại nhà không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây ra hội chứng Steven Johnson.
“Nhóm thuốc gây ra hội chứng Steven Johnson thường có trong các loại thuốc kháng sinh điều trị ho, tiêu chảy… Khi dùng thuốc kháng sinh cần phải theo dõi. Nếu thấy xuất hiện các nốt ban ở vùng niêm mạc, trợt loét phải dừng ngay việc dùng thuốc và lập tức đi khám”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ số ca mắc phải hội chứng dị ứng thuốc muộn. Nhưng tỷ lệ người mắc phải hội chứng này ở Việt Nam cũng không phải là ít. Hội chứng dị ứng thuốc muộn có thể gặp cả ở trẻ sơ sinh nếu uống thuốc kháng sinh.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.