Có thể những thói quen tưởng chừng vô hại trong sinh hoạt hàng ngày đang khiến đôi chân phải “lên tiếng”.
Giày cao gót – “thủ phạm” gây đau cơ
Giày cao gót có thể giúp các bạn nữ “ăn gian” thêm chiều cao nhưng nó cũng bắt bạn phải… trả giá. Trước hết là sự quá tải của các cơ bắp và đôi bàn chân phồng rộp. Khi đi giày cao gót, trọng lực cơ thể bạn bị dồn về phía trước. Để giữ cân bằng, ngực và thắt lưng phải ngả về phía sau trong khi bụng ưỡn ra phía trước. Dáng đứng này bắt buộc hệ cơ phải co mạnh trong thời gian dài, gây đau và mỏi.
Những ngón chân xinh xắn cũng cực lực phản đối việc đi giày cao gót thường xuyên vì buộc chúng phải duỗi về phía trước với mức độ khác nhau, gây nguy cơ biến dạng ngón chân và viêm nang bôi trơn khớp. Với những người đau lưng mãn tính, nguyên nhân của mọi cơn đau có thể bắt nguồn từ những đôi giày cao gót mà họ rất yêu thích.
Bởi thế, để cải thiện chiều cao của mình bạn nên chọn cho mình một đôi giày 4 phân là phù hợp. Và thỉnh thoảng, bạn cũng cần để đôi chân của mình được nghỉ ngơi bằng cách thay đổi các kiểu giày, dép.
Giày cao gót là một trong những thủ phạm hàng đầu khiến bàn chân không khỏe. |
Ngồi vắt chéo chân – không vô hại như bạn nghĩ
Khi ngồi bắt chéo chân, xương bánh chè sẽ cọ xát với các xương khác, gây đau vùng trước khớp gối.
Đối với những người đã bị đau khớp gối, tư thế này sẽ khiến cho các sụn thoái hóa bị đè và xoắn, làm bệnh nặng thêm. Kiểu ngồi này còn có thể gây nghẽn mạch máu, dẫn tới bệnh vẹo cột sống, đau lưng, mỏi cổ, đau thần kinh tọa…
Đặc biệt ở phụ nữ, khung xương chậu bị vặn vẹo có thể ảnh hưởng đến dạ con và buồng trứng, gây đau trong kỳ kinh hoặc làm rối loạn chu kỳ kinh.
Đi chân trần – gót chân thêm gánh nặng
Khi đôi chân không được bảo vệ bởi giày, dép nguy cơ chấn thương do giẫm đạp phải các vật cứng, nhọn gây chấn thương, trầy xước dẫn đến nhiễm trùng rất cao. Chưa kể đến việc đi chân trần còn tăng nguy cơ tiếp xúc với vi trùng.
Như vậy chẳng khác gì bạn đang mở cửa đón chúng xâm nhập vào cơ thể qua các kẽ nứt da gây các bệnh ngoài da ở chân. Vùng nửa trước bàn chân là phần dễ bị tổn thương nhất nên các chuyên gia khuyến khích việc mang các giày, dép bít ngón hơn là dép hở ngón.
Tám tiếng về đêm là thời gian nghĩ dưỡng của đôi chân sau một ngày mệt mỏi. Thói quen đi chân trần khi thức giấc hay mỗi buổi sáng khi ngủ dậy đã vô tình làm tăng gánh nặng cho gót chân. Những “tổ chức” vừa được khôi phục vào ban đêm cũng vì đó mà thêm một lần nữa bị tổn thương và nặng thêm.
Đi giày sai cỡ – đẹp chưa thấy họa đến gần
Vì tình yêu bất tận với giày cao gót, Victoria Beckham tiết lộ: Cô yêu giày cao gót tới mức mua cả những đôi không đúng cỡ mình. Nhưng bạn thì chớ dại dột “học tập” theo cách của cô ấy. Những đôi giày quá chật sẽ khiến máu khó lưu thông, làm tổn thương da.
Nguy hiểm hơn, bạn có thể bị “xa lánh” chỉ vì chân… bốc mùi. Những đôi giày chật chính là thủ phạm gây ra cảm giác nóng, bí, ra mồ hôi và gây mùi khó chịu. Đối với trẻ em, đi giày chật có thể gây ra những biến dạng ở chân.
Để có thể chọn một đôi vừa cỡ bạn nên đi mua giày vào buổi chiều. Nên chọn giày có chất liệu mềm, hợp với dáng chân để giảm nguy cơ sưng tấy. Bạn cần có 2-3 đôi giày để thay đổi. Bởi vì, sau một ngày sử dụng, một đôi giày cần 24 giờ để thông thoáng và khô ráo mồ hôi.
An Nhiên
Chưa có bình luận.