Khi đi du lịch mà bị té ngã, chảy máu, gãy xương phải có những cách sơ cứu cơ bản nhằm đảm bảo an toàn và không để lại sẹo.
Dễ té ngã do trơn trượt
Để thay đổi không khí trong những ngày nghỉ lễ dài, không ít gia đình chọn đi du lịch khám phá vùng núi. Do không quen địa hình nên rất dễ bị té ngã nhất là trẻ nhỏ. Khi bị chấn thương, tùy theo mức độ nặng nhẹ cần phải có những cách xử lý khác nhau. Với những vết thương xây xát ngoài da tuy rất đơn giản nhưng không được vệ sinh, xử lý đúng có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo xấu. Những vết thương nghiêm trọng hơn như gãy xương, nếu sơ cứu không đúng cách cũng ảnh hưởng tới tính mạng hoặc để lại di chứng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu – Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi đi chơi tại các vùng núi, tai nạn dễ gặp phải đối với trẻ nhỏ thường là do té ngã, côn trùng đốt, rắn cắn…
Với vết thương xây xước da, nếu sơ cứu và chăm sóc không đúng sẽ lâu khỏi và để lại sẹo.
Khi trẻ bị ngã cần phải sát trùng vết thương và cầm máu. Dùng nước muối sinh lý rửa sạch vết thương. Nếu không có nước muối có thể rửa vết thương bằng nước sạch cho trôi hết đất cát. Sau đó dùng thuốc sát trùng vết thương và băng bằng gạc vô trùng cầm máu, cố định vết thương.
Trong trường hợp trẻ ngã từ trên cao, cha mẹ cần phải bình tĩnh kiểm tra trẻ có bị gãy xương hay không. Có hai loại là gãy xương kín và hở. Gãy xương kín là xương không hở ra ngoài, tại vị trí gãy bị đau chói, đau tăng khi cử động. Gãy xương hở là xương nhô ra bên ngoài có kèm rách da và chảy máu.
“Khi trẻ nghi ngờ bị gãy xương cần cố định vị trí gãy không có kéo nắn xương. Nếu có chảy máu sơ cứu cầm máu vết thương. Nguyên tắc an toàn khi cố định vết thương nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách”, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn nói.
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn khuyến cáo, khi gia đình có kế hoạch đi chơi vùng núi nên mang theo một số dụng cụ cần thiết như: bông băng, gạc, nước muối sinh lý. Những vật dụng này không tốn quá nhiều diện tích nhưng lại rất cần thiết cho những gia đình có ý định đi chơi tại các vùng núi. Ngoài ra, cần mang thêm thuốc xua đuổi côn trùng để tránh bị đốt.
Một số sai lầm khi sơ cứu vết thương nhiều người vẫn mắc phải làm vết thương bị nhiễm trùng, phù nề, đau đớn như không rửa sạch và sát trùng vết thương. Hay có người dùng các loại lá thuốc, lá rừng để đắp lên vết thương cũng không đúng.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu Tạo hình Bệnh viện Sài Gòn ITO, nếu rửa vết thương bằng nước sát trùng quá mạnh có thể gây ra tổn thương mô, tế bào da… làm cho vết thương lâu lành, để lại sẹo xấu. Vì vậy chỉ nên dùng nước muối hoặc Povidine pha loãng để vệ sinh vết thương. Trong trường hợp vết thương phùnề, sưng tấy nên đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc.
Sơ cứu đúng cách khi có vết thương xây xát da:
– Khi bị ngã, vết thương còn dính đất cát cần mở vòi nước cho nước chảy vào vết thương vừa giảm đau và giúp rửa trôi đất cát bẩn.
– Vệ sinh vết thương bằng nước muối sinh lý 0,9%.
– Trước khi dùng gạc vô trùng đắp lên vết thương có thể bôi kem Silvirin hoặc kem có kháng sinh (Fucidine, Tetra…).
– Dùng băng keo dán cố định miếng gạc, không băng quá kỹ.
– Mỗi ngày nên vệ sinh thay băng một lần.
– Sau khi vết thương khô, bong da tiếp tục dùng băng lên như vậy sẽ nhanh lành và không để lại sẹo xấu.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.