Thứ Tư, 22/02/2017 | 10:25

Thời gian bảo quản 1 năm hay 16 năm thì sau rã đông chất lượng của phôi đó không bị ảnh hưởng.

Sinh con sau 16 năm trữ đông phôi

Mới đây, tờ Tân Hoa Xã tại Trung Quốc có đưa tin về trường hợp sinh con đặc biệt của người phụ nữ 46 tuổi. Bệnh nhân sinh con bằng phôi được trữ đông lạnh cách đây 16 năm tại bệnh viện Tôn Dật Tiên (Trung Quốc).

Được biết, năm 2000 người mẹ này đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và sinh được một cậu con trai. Sau đó, chị đã quyết định trữ đông 18 phôi còn lại đợi thời điểm thuận lợi để sinh con tiếp.

Tháng 5/2016, người mẹ trên đã quay lại bệnh viện yêu cầu bác sĩ chuyển phôi trữ lạnh của mình vào tử cung. Và thật tuyệt vời, khi chị đã sinh được một cậu con trai khỏe mạnh và kháu khỉnh nặng 3,8kg.

Trữ đông phôi thụ tinh ống nghiệm: Làm mẹ sau 10-15 năm có đáng lo?

Bé trai được sinh ra từ phôi được trữ đông cách đây 16 năm.

Câu chuyện đặc biệt trên khiến cho chị em trên cộng đồng mạng bàn luận rất sôi nổi. Có người nghi ngờ đó chỉ là câu chuyện đồn thổi. Những người hiểu biết hơn thì khẳng định câu chuyện trên là có thật và ở Việt Nam cũng có thể thực hiện được.

Trao đổi với TS. BS Đào Thị Thúy Phượng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đông phôi là kỹ thuật phổ biến cho những trường hợp sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Về nguyên lý phôi trữ đông được bảo quản trong nitơ lỏng với nhiệt độ -196 độ C mọi chuyển hóa gần như bằng không. Điều này đồng nghĩa với việc phôi sẽ ngừng mọi hoạt động hay rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Như vậy thời gian bảo quản 1 năm hay 16 năm thì sau rã đông chất lượng của phôi đó không bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp mẹ khỏe mạnh thì vẫn có thể chuyển phôi đông lạnh và vẫn đảm bảo có được một đứa con khỏe mạnh.

“Phôi trữ đông 16 năm sau khi cấy tử cung hoàn toàn có thể sinh ra được những đứa trẻ khỏe mạnh. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép thuộc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hầu hết các trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm đều được đông phôi toàn bộ”.

Theo khuyến cáo TS. BS. Đào Thị Thúy Phượng, sau chọc hút bệnh nhân có thể chuyển phôi đông lạnh ngay ở các chu kỳ tiếp theo, không nên để quá lâu vì càng lâu, tuổi người mẹ càng lớn và người mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong quá trình mang thai và ảnh hưởng tới cả em bé khi sinh ra.

“Chất lượng của phôi đông lạnh sau khi rã đông không phụ thuộc vào độ tuổi của người mẹ. Tuổi mẹ càng cao thì khả năng thành công khi chuyển phôi đông lạnh cũng thấp đi và ảnh hưởng tới chất lượng của em bé khi sinh và liên quan tới một số bệnh lý sau này của đứa trẻ”, bác sĩ Đào Thị Thúy Phượng nói.

Kỹ thuật trữ đông mới làm tăng tỷ lệ sống sót và khả năng làm tổ cho phôi

Đông phôi là kỹ thuật hiện được áp dụng thường quy tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Trước đây, phôi được đông lạnh bằng kỹ thuật đông chậm nên tỷ lệ sống thường không cao sau khi rã đông. Ngày nay kỹ thuật y khoa ngày một tiến bộ đông phôi bằng kỹ thuật thủy tinh hóa với môi trường bảo quản không ngừng được cải tiến, tỉ lệ phôi bị thoái hóa sau rã rất thấp và tỷ lệ thành công khá cao.

Bác sĩ Đào Thị Thúy Phượng cho hay, đông lạnh phôi đang được sử dụng khá phổ biến với những đối tượng khó khăn trong vấn đề sinh sản tự nhiên.

“Trong chu kỳ có kích thích buồng trứng có sử dụng nội tiết đưa từ ngoài vào, nội mạc tử cung và phôi thông thường không tương thích dẫn tới khó làm tổ của phôi tươi. Vì vậy nếu không đủ tiêu chuẩn chuyển phôi tươi, các bác sĩ sẽ chỉ định đông phôi. Tới một thời điểm phù hợp bệnh nhân sẽ được chuyển phôi rã đông, lúc đó nội mạc tử cung của người mẹ và phôi sẽ tương thích hơn, sẽ cho tỉ lệ thành công cao hơn nhiều so với chuyển phôi tươi”, bác sĩ Đào Thị Thúy Phượng cho hay.

Ngọc Minh

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook