Độ ẩm không khí cao khiến cho cơ thể mắc bệnh. Nhưng chỉ cần chú ý ăn uống hợp lý và dùng các nguyên liệu như bồ kết sẽ tăng cường sức khỏe. Nhưng bà bầu tuyệt đối không dùng bồ kết khi đang mang thai.
Khổ sở vì trời nồm
Thời tiết ẩm thấp, mưa phùn khiến cho nhà lúc nào cũng trong tình trạng ướt át. Các bà nội trợ đau đầu với việc lau nhà. Bên cạnh đó, mọi người còn phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật do trời quá ẩm ướt.
Theo Lương Y Bùi Hồng Minh, Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Ba Đình, thời tiết nồm và mưa phùn ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều. Do thời tiết ẩm thấp làm cho khí huyết bị hấp thu nhiệt và không thể lưu thông.
Trong Đông y có 6 loại khí nếu chênh lệch nhau quá lớn có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe như thấp, phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Trong những ngày nồm khí hàn (khí lạnh), thấp (độ ẩm không khí cao) dễ sinh ra ho, cảm cúm, sổ mũi nhức đầu. Trong nhà ẩm ướt còn là điều kiện cho các loại nấm mốc, vi khuẩn phát triển gây bệnh dịch như thủy đậu, sởi, chân tay miệng…
“Ẩm thấp khiến cho trẻ nhỏ và người già là hai đối tượng dễ mắc bệnh vì cơ thể không thích nghi kịp với thời tiết”, Lương Y Bùi Hồng Minh nói
Để phòng bệnh phải mặc quần áo khi đã khô, đi tất dù ở trong nhà để giữ ấm chân rất quan trọng, không tắm quá lâu để tránh nhiễm lạnh. Khi đi ra ngoài phải mang theo áo ấm và không để trẻ đi ngoài trời mưa…
Nên ăn những món ăn có tính ấm nóng như gừng để giữ ấm cơ thể, phòng bệnh cảm cúm.
Ăn uống trong những ngày nồm, mưa phùn cần dùng các thực phẩm có tính sinh nhiệt giữ ấm cơ thể. Ví dụ, các món ăn khi chế biến có thể cho thêm gừng, tỏi, hành, sả, ớt… có vị cay, tính ấm giúp phòng cảm mạo do thấp nhiệt.
Các chị em có thể dùng một số món ăn tiêu thấp tiêu nước để hạn chế không khí quá ẩm khi hít vào cơ thể khiến cho các phế nang bị đọng nước, khó khăn cho ho hấp gây ra ngạt mũi, sổ mũi. Dùng các món ăn chế biến từ củ cải, gừng để giúp phòng bệnh ngạt mũi, ho.
Dùng bồ kết hay hương sả để tiêu bớt sự khó chịu
Lương y Bùi Hồng Minh cho hay, các gia đình nên đóng kín cửa để tránh gió đưa hơi ẩm vào nhà, giữ nhà thông thoáng bằng cách lau bằng giẻ khô, chỉ mở cửa khi trời có nắng.
Bạn có thể dùng bồ kết khô đốt trong nhà để xua tan khí độc sinh ra do ẩm ướt. Bồ kết còn có tác dụng phòng bệnh cảm cúm, chữa ngạt mũi, sổ mũi do khí lạnh và ẩm sinh ra.Đối với quả bồ kết không nên dùng khi phụ nữ đang mang thai, gia đình có người mắc chứng hen suyễn…
Hoặc có thể dùng cây sả hoặc tinh sả pha vào nước lau nhà vào buổi trưa. Sả có tính sát khuẩn, tiêu diệt nấm mốc và xua đuổi côn trùng.
Đốt bồ kết để trừ khí độc sinh ra do ẩm thấp trong nhà.
Một số mùi hương khác cũng có tác dụng xua đuổi khí độc như trầm hương, quế, hồi đốt trong nhà rất tốt trong những ngày nồm.
Lương Y Bùi Hồng Minh cũng khuyến cáo, đốt tinh dầu thơm không nên đốt cả ngày, chỉ đốt trong khoảng thời gian 30 – 1 tiếng.
Người thường xuyên bị đau đầu trong những ngày thời tiết nồm do nhiệt độ chệnh lệch có thể dùng rau nấu canh với củ súng, củ sen, thịt lợn giúp giảm đau đầu, an thần, dễ ngủ. Hoặc có thể chế biến các món ăn cho hạt sen vào như cháo, chè, hầm thịt…
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.