Theo các bác sĩ Nhi khoa, thời
tiết chuyển lạnh, độ ẩm trong không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi
cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Yếu tố này kết hợp với hệ
thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, khiến trẻ dễ mắc bệnh cảm lạnh. Tuy
nhiên, có nhiều trẻ bị nhiễm lạnh “oan” do sai lầm của bố mẹ.
giữ ấm cơ thể, đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để phòng
ngừa cảm lạnh. Ảnh minh họa
Trẻ nhiễm lạnh vì mẹ ủ ấm quá kỹ
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa
Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, vào mùa Thu –
Đông, không khí lạnh dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, từ đó làm
giảm sức đề kháng của cơ thể, giúp một số mầm bệnh dễ xâm nhập. Do đó,
nhiều người dễ mắc bệnh hô hấp và truyền nhiễm, nhất là đối với những
người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Theo ước tính, có khoảng hơn 100 loại virus gây bệnh cảm lạnh. Khi bị
bệnh, trẻ thường có những triệu chứng ở đường hô hấp mức độ nhẹ hoặc
trung bình như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi; một số bệnh nhân có thể bị ho
khan hoặc cơ thể mệt mỏi. Hiện nay, trên thế giới chưa có vaccine phòng
ngừa cảm lạnh. Vì vậy, cần tăng cường sức đề kháng còn yếu cho trẻ để
bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh sức đề kháng yếu,
nhiều trẻ nhỏ còn bị nhiễm lạnh “oan” do sai lầm của bố mẹ. Chẳng hạn,
khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều bố mẹ vì quá lo lắng bị mất nhiệt nên
thường mặc quần áo dày cho trẻ, thậm chí với những trẻ sơ sinh, phụ
huynh còn quấn kèm vài lớp chăn để giữ ấm. Tuy nhiên, đây là việc làm có
thể gây hại cho trẻ. Bởi lẽ, khi ủ ấm quá kỹ, trẻ nhỏ sẽ bị nóng, sinh
ra hiện tượng toát mồ hôi. Lúc đó, do lớp quần áo quá dày bên ngoài vô
tình tạo thành “hàng rào” ngăn mồ hôi thoát ra ngoài, chúng sẽ thấm vào
quần áo và gây lạnh ngược lại cho trẻ, nếu bố mẹ không kịp thời phát
hiện và lau khô.
Bên cạnh đó, không tắm mà chỉ thay quần
áo cho trẻ trong mùa lạnh cũng là một quan điểm sai lầm. Việc thay quần
áo bên ngoài mà không lau rửa người, nhất là những bộ phận dễ tích tụ vi
khuẩn như khuỷu tay, nách, cổ, bẹn… sẽ gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ,
đồng thời khiến trẻ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn có hại, ảnh hưởng
đến sức khỏe của trẻ. Về vấn đề này, ThS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng
khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi nhiệt độ
xuống thấp, phụ huynh phải tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió,
tránh nơi gió lùa và phải lau khô, giữ ấm cơ thể cho trẻ sau khi tắm.
Ngoài ra, BS Đỗ Thiện Hải cũng lưu ý,
khi tắm cho trẻ, phụ huynh không nên cởi toàn bộ quần áo của con ra, nên
tắm từng bộ phận, tắm đến đâu cởi đến đó. Tốt nhất nên tắm từ dưới lên
trên, tức là lau rửa chân tay sạch sẽ, lên bụng, ngực rồi mới đến phần
đầu. Thời gian tắm cho trẻ nhỏ trong mùa lạnh không nên kéo dài quá 10
phút, không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Một tuần có thể tắm 2 – 3
lần, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trẻ được lau rửa và thay quần áo sạch
sẽ hàng ngày.
Chăm sóc trẻ đúng cách trong mùa lạnh
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên
Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), để giúp trẻ không bị nhiễm lạnh,
phụ huynh cần cho trẻ rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau
khi tiếp xúc ở nơi công cộng, nơi đông người. Nhiều công trình nghiên
cứu đã chứng minh, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trong 2 phút có
thể rửa sạch trên 90% vi khuẩn, giúp phòng tránh bệnh cảm hiệu quả. Bên
cạnh đó, khi bị cảm lạnh không nên sờ vào mắt, mũi, miệng khi tay chưa
sạch, giúp hạn chế tối đa sự xâm nhập của virus có hại. Theo thống kê,
có hơn 10 loại virus ký sinh trong kẽ tay và kẽ chân người. Đặc biệt,
những trẻ có thói quen dùng tay bẩn dụi mắt hoặc ngậm ngón tay đều khiến
vi khuẩn và virus dễ dàng tiếp xúc với niêm mạc mắt, mũi, miệng gây ra
bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ trong mùa
lạnh, các chuyên gia tư vấn, chế độ dinh dưỡng phù hợp rất quan trọng để
nâng cao sức đề kháng, chống lại tác nhân xấu gây hại đến sức khỏe của
trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ
sung sắt, kẽm (trứng, sữa…) giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng cường hệ
miễn dịch. Ngoài ra, luôn giữ nhiệt độ trong nhà ấm áp. Theo nghiên
cứu, các bậc phụ huynh nên giữ nhiệt độ trong phòng khoảng 25 – 28oC. Đó
là nhiệt độ thoải mái mà bé không cần được ủ ấm quá nhiều. Ngoài ra,
nên tránh những nơi có gió lùa trực tiếp. Không đặt bé gần cửa sổ, cửa
chính đang mở, hoặc những khe cửa có nhiều gió lưu thông. Hạn chế tối đa
việc cho trẻ ra ngoài trời khi thời tiết mưa lạnh. Nếu bắt buộc phải ra
ngoài, cần chú ý cho trẻ mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người sẽ
gây hại cho trẻ.
Bên cạnh đó, tránh dừng lại ở những nơi
đông người quá lâu. Ở những nơi chật kín người, không khí lưu thông
không tốt nên tăng nguy cơ lây bệnh. Do vậy, nên hạn chế dẫn trẻ đến
những chỗ đông đúc; mang tất chân, găng tay, đeo khẩu trang khi đi ra
ngoài. Nên cho bé sử dụng dung dịch nhỏ mũi sát khuẩn, súc miệng bằng
nước muối hàng ngày. Đối với trẻ vẫn còn bú mẹ, phụ huynh nên cho bé bú
sữa nhiều hơn, uống nước nhiều hơn khi bé bị cảm lạnh. Không nên cho con
uống thuốc bừa bãi mà cần có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo GĐ&XH
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.