Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cho khoảng 1.500- 2.000 trẻ có bệnh lý thoát vị bẹn. Thoát vị bẹn nếu không được phẫu thuật sớm nguy cơ biến chứng tắc ruột, hoạt tử ruột thậm chí là tử vong.
Bệnh nhân Phạm Phương Anh – 5 tuổi đã có ca mổ phẫu thuật nội soi an toàn và thành công sau khi được chẩn đoán bị thoát vị bẹn. Sau mổ, sức khỏe của bệnh nhi tương đối ổn định. Mổ nội soi trong phẫu thuật thoát vị bẹn là kỹ thuật mới được đưa về thực hiện tại bệnh viện Nhi.
Thoát vị bẹn ở trẻ em là loại bệnh lý bẩm sinh, khá phổ biến. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi với tỉ lệ 1-3% và tỉ lệ 3 – 4,8% ở trẻ sinh non. Việc chẩn đoán và điều trị phẫu thuật sớm sẽ giảm thiểu tối đa các biến chứng thường gặp. Trung bình mỗi tuần, bệnh viện Nhi tiếp nhận phẫu thuật cho 20-40 trường hợp trẻ bị bệnh lý thoát vị bẹn.
Các bác sĩ bệnh viện Nhi đang thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi cho bệnh nhi Phương Anh, ảnh BVCC.
TS Phạm Duy Hiền, Trưởng Khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Bệnh lý thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Khi không được điều trị, sẽ có nguy cơ khiến các cơ quan trong ổ bụng thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, tổn thương cơ quan này. Hiện phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này. Phương pháp phẫu thuật lâu nay vẫn thực hiện đối với bệnh lý này là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu thuật thắt ống phúc tinh mạc”.
Nói về phương pháp mổ thoát vị bẹn dựa vào siêu âm thông thường, TS. Hiền chia sẻ, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở thoát vị bẹn từ 0,8-3,8% và tỉ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6 -30%. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị thoát vị bẹn nhằm khắc phục những mặt hạn chế của phẫu thuật mở truyền thống.
Với kỹ thuật phẫu thuật nội soi, tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật thấp chỉ khoảng từ 0,1 – 0,2 % (thấp hơn đáng kể so với mổ mở 0,8- 3,8%). Đồng thời so với đường rạch dài tầm 2cm của phẫu thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi có tính thẩm mỹ cao với đường rạch 2mm, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo của bệnh nhân.
Mổ nội soi camera đặt qua rốn nên sau mổ sẽ không quan sát thấy sẹo trên thành bụng. Thêm một ưu điểm đáng kể nhất của phương pháp phẫu thuật mới này là rất an toàn, ít sang chấn tới mạch máu và ống dẫn tinh (ở trẻ nam). Trước đây, mổ thường phải bóc tách phẫu tích nhiều vào ống bẹn dễ gây tổn thương các thành phần này. Do đó sẽ ít ảnh hưởng hơn tới chức năng sinh sản sau này của trẻ.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.