Đừng phá hủy hàm răng của mình bằng những thói quen và sự lười biếng không đáng có.
Sâu răng- thủ phạm là đồ ngọt
Trong một bản báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới, sâu răng là căn bệnh răng miệng phổ biến nhất thuộc nha khoa, các nước phát triển có một tỷ lệ khá cao 60-90% trẻ em tuổi đi học và đa số người lớn mắc bệnh. Bệnh đang có chiều hướng tăng cao ở những người tiêu thụ thức ăn nhiều đường.
Sâu răng chính là sự tiêu huỷ men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng mà nguyên nhân chính là do vi khuẩn. Những yếu tố quan trọng gây bệnh là vi khuẩn, đường trong thức ăn và thời gian để vi khuẩn và đường tồn tại trong miệng.
Thông thường khó nhận biết vì khi các lỗ sâu răng xuất hiện thì bệnh đã tiến triển được một thời gian dài, đang bước sang giai đoạn trầm trọng.
Nếu không điều trị thì tuỷ răng sẽ chết và có thể phát sinh những biến chứng như viêm quanh cuống răng, viêm xương, viêm hạch… Do đó, sau mỗi bữa ăn bạn nên đánh răng hoặc uống nước để hạn chế đường bám quanh răng, sinh ra vi khuẩn gây bệnh.
Ảnh minh họa |
Lão hóa răng vì xương và đá cục
Quá trình lão hóa ở răng có những biểu hiện như: mòn mặt nhai, tủy răng bị xơ teo, ngà răng dần bị mất nước, răng dòn dễ mẻ, tăng tạo xi măng ở chân răng, tụt nướu, giảm tiết nước bọt, chức năng nhai giảm sút…
Thông thường, ta thấy những người có sở thích ăn đá cục hay gặm xương có bộ răng mòn nhanh so với những người khác. Đến tuổi trung niên răng dễ rụng sớm hơn. Lúc này các biện pháp vệ sinh răng miệng đều kém hiệu quả.
Theo nghiên cứu của các tổ chức nha khoa thế giới, hơn 40% dân số có biểu hiện răng nhạy cảm (bị đau, ê, buốt do mòn men răng), chủ yếu ở độ tuổi 20-50 và xuất hiện nhiều nhất ở tuổi 30-40. Ở Việt Nam khái niệm răng nhạy cảm còn rất mới mẻ và hơn 50% số người có răng nhạy cảm nhưng vẫn nghĩ răng mình chắc khỏe. |
Hoặc một số người có nhiều miếng trám sâu răng lớn cũng dễ bị bong ra do thức ăn cứng, và sâu răng lại tái phát. Khi còn trẻ bộ răng còn khỏe, bạn phải biết cách bảo vệ, ngoài vệ sinh răng miệng bạn cũng nên lưu ý khi chọn đồ ăn để đảm bảo rằng, bạn không phải đeo răng giả sớm và không ăn được những món yêu thích.
Viêm lợi vì lười đánh răng
Ăn no rồi nằm xem ti vi, lười vận động khiến bạn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ và ngại đánh răng vì cho rằng sáng mai cũng được. Bạn không biết rằng khi các mảng bám không được thường xuyên làm sạch, vi khuẩn sẽ tấn công đến tận chân răng và sản sinh tại đó các enzym có khả năng phá hủy sự liên kết của các biểu mô (nối lợi và răng) và gây ra viêm lợi.
Ngoài ra, việc thường xuyên ăn thức ăn quá mềm làm cho hàm răng của mình lười hoạt động và làm cho cấu trúc bảo vệ răng yếu đi. Hoặc sự thay đổi hormone khi mang bầu, sẽ làm giảm sức đề kháng của lợi đối với các vi khuẩn bám trên răng.
Khi bệnh viêm lợi không được điều trị thì sẽ phát triển thành bệnh viêm quanh răng. Lâu ngày, bệnh còn làm cho xương và dây chằng bao bọc quanh răng cũng bị tiêu huỷ dần, khiến cho răng không có chỗ dựa, trở nên lung lay và cuối cùng sẽ rụng.
Nướu răng- một hệ quả của stress
Bạn thấy lạ lùng phải không? Nhưng sự thật là căng thẳng có thể làm tăng mảng bám răng, ngay cả khi mức độ căng thẳng đó chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn. Nếu stress kéo dài liên tục sẽ làm cho tăng nguy cơ chảy máu nướu răng, hoặc viêm nướu, có thể tiến triển thành bệnh viêm nướu nghiêm trọng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, căng thẳng cũng có thể dẫn tới trầm cảm. Và bệnh nhân bị trầm cảm có nguy cơ bị các bệnh về nướu và lợi gấp 2 lần so với những người không chán nản. Bạn không thể làm trầm cảm hoặc căng thẳng biến mất ngay được. Nhưng các chuyên gia nói rằng, nên học tập các cách sống vui vẻ để giảm thiểu sự căng thẳng cho bản thân.
Ngả màu răng vì ăn vặt
Có những người bẩm sinh răng đã ngả màu vì thiếu chất khoáng, làm men răng mỏng để lộ ngà răng. Nhưng cũng có một số người do thói quen ăn uống hàng ngày vô tình khiến răng “biến sắc” do những thực phẩm như: sơ ri, việt quất, nho, cà phê, rượu vang, hút thuốc lá; đặc biệt là trà-một “kẻ thù giấu mặt rất ghê gớm. Điều này sẽ làm mọi người mất tự tin khi giao tiếp.
Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục bằng cách hạn chế ăn vặt, uống nước hoa quả bằng ống hút hoặc ăn uống bữa phụ xong phải uống nước tráng miệng. Có một cách khác là khi chải răng, cho một ít muối vào kem đánh răng để nó tẩy những vết ố.
Có thể bạn chưa biết? Ỏ Ấn Độ, từ xa xưa bàn chải đánh răng được làm từ cây neem bằng cách dùng răng để nhai phần ngọn của loại cây này đến mức đủ mảnh để chải răng. Trong thế giới của người Hồi giáo, bàn chải đánh răng được tạo từ một loại rễ cây có tính chất khử trùng. Tại Trung Quốc, vào khoảng cuối thập niên năm 1400, con người dùng những cái lông cứng ở cổ lợn gắn lên một khúc tre để đánh răng (có hình dáng gần giống với bàn chải đánh răng ngày nay). Năm 1770, một người tù có tên là William Addis ở Anh đã đục lỗ lên một mẩu xương động vật nhỏ, buộc các sợi lông thành các búi nhỏ rồi luồn chúng qua những cái lỗ trên cục xương và dán chúng lại đánh dấu sự ra đời chính thức của bàn chải đánh răng. Sau đó thì người Mỹ có cải tiến chúng bằng cách thêm thắt tay cầm bằng xương và sử dụng lông lợn lòi Xi-Bia để làm các sợi của bàn chải. 1938, lông động vật được thay thế bằng sợi tổng hợp, thường là sợi nylon. Và từ những loại bàn chải sơ khai như thế đến ngày nay, con người đã sáng tạo ra những loại bàn chải tự động chạy bằng điện, bàn chải năng lượng mặt trời diệt khuẩn bằng nước và ánh sáng mà không cần tới kem đánh răng… |
Nguyễn Hạnh
Chưa có bình luận.