Thứ Sáu, 30/06/2017 | 10:25

Bị ho, sổ mũi, viêm họng, nấm lưỡi… nhưng cha mẹ không xử trí đúng lại dùng cách này nên dẫn đến nhiễm độc nặng.

Trong thời gian gần đây, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị ngộ độc chì nặng. Có bệnh nhân do người nhà tự mua thuốc cam cho uống. Sau khi uống có biểu hiện co giật, li bì. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện bé bị nhiễm độc chì.

Mới 4 tháng tuổi nhưng bé Nguyễn Duy Anh (Hà Nội) cũng đang phải điều trị bị nhiễm độc chì do điều trị thuốc nấm lưỡi không có nguồn gốc. Theo lời kể của gia đình, trước đó 5 ngày bé bị nấm miệng, người nhà đã tự ý mua thuốc cam ở chợ về rồi pha loãng để đánh tưa lưỡi cho con hàng ngày. 4 ngày sau, bé ho, đau bụng kèm theo nôn liên tục. Gia đình vội đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cháu bé cũng bị ngộ độc chì nặng.

Tin loại thuốc này là “thần dược” trị ho, sổ mũi... khiến con nhận hậu quả “đắng”

Loại thuốc nhiều cha mẹ cho là “thần dược” điều trị mọi chứng bệnh khiến trẻ bị ngộ độc chì nặng (ảnh BVCC).

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc cho hay: “Rất nhiều phụ huynh vẫn tin các loại thuốc cam là “thần dược” để rồi con phải nhận hậu quả đáng tiếc. Nhiều cha mẹ tin rằng cho trẻ uống loại thuốc này tăng cân, khỏi ho, viêm họng, nấm lưỡi….”.

Theo bác sĩ Duy, trẻ bị nhiễm chì không có biểu hiện ra ngoài cho nên chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm máu. Với sức khỏe con người, chì độc hại. Nếu tích lũy trong nội tạng hay xương sẽ cần thời gian rất dài mới có thể thải trừ ra ngoài. Nếu dư lượng chì nhiều gây bệnh ở đường ruột, tim mạch, thần kinh…

Trẻ bị nhiễm độc chì có biểu hiện không rõ ràng. Có những trẻ sẽ bị hôn mê, co giật, ngủ lịm đi… Cũng có trường hợp mệt mỏi, mất kỹ năng học, chậm phát triển nhận thức, tinh thần…

Bác sĩ Duy khuyến cáo, các loại thuốc Nam được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Tránh nguy cơ ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, cho mẹ không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc cam không có nguồn gốc để uống, bôi. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Theo thống kê của khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 6, đã có 8 trường hợp trẻ nhập viện với những biểu hiện rối loạn nặng về thần kinh và tiêu hóa do sử dụng thuốc cam.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook