Thứ Hai, 05/10/2015 | 06:39

Đầy bụng khó tiêu là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, chướng bụng, có khi buồn nôn và nôn. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khó tiêu, đầy bụng như do ăn uống (ăn nhiều tinh bột, lạm dụng chất béo, gia vị, ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong lại đi nằm ngay…); lạm dụng các chất kích thích: rượu, cà phê, thuốc lá (các chất này làm tăng tiết acid dịch vị có thể gây thêm cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị); do nuốt nhiều không khí (trong và giữa các bữa ăn); do hệ tiêu hóa kém: như có người thiếu dịch men (còn gọi là enzym) tiêu hóa hoặc có sự giảm nhu động dạ dày đưa đến dạ dày đẩy thức ăn xuống ruột chậm gây nên tình trạng ứ trệ thức ăn ở dạ dày hoặc do thiếu mật giúp tiêu hóa chất béo…

Tuy nhiên đầy bụng khó tiêu còn là triệu chứng của các bệnh hệ tiêu hóa (như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày…); các bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, cường giáp); do nhiễm vi khuẩn H.Pylori hay do dùng thuốc chữa bệnh…

Các thuốc trị đầy bụng, khó tiêu:

– Thuốc chống acid, chống tiết acid và chống đầy hơi: Loại này được dùng khi bị chứng khó tiêu, đầy hơi do thừa acid dịch vị như maalox plus, phosphalugel, gasvicon, pepsan… Các thuốc này vừa có tác dụng trung hoà acid, vừa chống đầy hơi trong dạ dày. Ngoài ra có thể dùng thuốc kháng thụ thể H2 (ranitidin), thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansoprazol). Nếu bị chứng khó tiêu đầy bụng kèm theo ợ chua do trào ngược dạ dày thực quản nên dùng các thuốc có chứa thêm thành phần là alginat (gasvicon). Do khi trào ngược alginat có tác dụng tráng bảo vệ niêm mạc thực quản không để acid dịch vị hại thực quản.

– Thuốc giúp điều hòa sự co bóp dạ dày: được dùng khi sự co bóp dạ dày kém đưa đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm. Một số thuốc có thể dùng như metoclopramid, domperidon (motilium-M)

– Thuốc giúp tiêu hóa: đó là các men tiêu hóa để giúp sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng hơn như neopeptin, alipase, festal…, có thể dùng thêm thuốc hỗ trơ sự tiết mật (chophytol).

DS. Nguyễn Hữu Đức

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook