(Tin tức) – Nạn thuốc giả, thuốc "nhái", thuốc kém chất lượng, ghi thông tin không đầy đủ xuất hiện thời gian gần đây đã làm không ít người bệnh hoang mang, lo lắng. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết, tỷ lệ thuốc giả năm 2008 là 0,095% tăng lên 0,12% năm 2009. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế cảnh báo, nếu người bệnh sử dụng phải thuốc nhái, thuốc giả sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe. Đến thời điểm này, ở nước ta chưa có trường hợp nào tử vong do sử dụng thuốc giả, hoặc đã có nhưng chưa được ghi nhận. Đây có thể là một trong những yếu tố làm cho các cơ quan chức năng chủ quan, chưa chú trọng phòng, chống thuốc nhái, thuốc giả. "Nhái" thuốc đắt tiền
Mua thuốc chữa bệnh là nhu cầu bức thiết của người dân. Ảnh: Đàm Duy
"Thuốc giả chiếm khoảng 10% thị trường tân dược thế giới. Tại các nước nghèo nhất, có đến 25% thuốc được tiêu thụ là thuốc giả" – FDA, cơ quan quản lý thực phẩm và chất gây nghiện của Mỹ đánh giá. Theo WHO lợi nhuận thu được từ buôn bán thuốc giả đạt gần 35 tỷ USD/năm. Tại Việt Nam, trong năm 2009, các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đã phát hiện 33 mẫu thuốc giả (chiếm 0,12% các mẫu được kiểm nghiệm), 3,33% số mẫu trong số 31.542 mẫu kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các cơ quan chức năng đã thu hồi 105 thuốc không đạt chất lượng, trong đó thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất với 37 thuốc. Những sản phẩm bị "nhái" thường là thuốc có thương hiệu nổi tiếng và biệt dược vì có giá thành cao. Theo các dược sỹ, thuốc được xác định là giả khi thành phần không có dược chất hoặc có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký hay có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. Hiện có gần 600 hoạt chất nước ngoài đã vào Việt Nam. Trung bình một hoạt chất có 4 thành phẩm nhưng ở nước ta, một hoạt chất có tới gần 10 thành phẩm, thậm chí còn nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ các cơ sở sản xuất thuốc trong nước đang nhái lẫn nhau để sản xuất những thành phẩm mới trên các hoạt chất cũ. Không những thế, có mặt hàng bị nhái cả màu sắc, hình dáng viên thuốc, dấu hiệu đặc trưng của sản phẩm… Khó phát hiện thuốc giả Theo quy định, thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải kiểm tra, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới được Bộ Y tế cho phép lưu hành, sử dụng. Nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc. Hiện nay, việc kiểm tra chất lượng thuốc được tiến hành cả tiền kiểm, hậu kiểm bởi hai hệ thống: Phòng kiểm nghiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc của Nhà nước với 63 trung tâm kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi, phức tạp nên các cơ quan chức năng khó phát hiện. Các mẫu thuốc giả có nhãn, bao bì đóng gói giống tới 99% mẫu nhãn, bao bì của thuốc thật, không có dấu hiệu rõ ràng nào để phân biệt. Mặt khác, theo các chuyên gia về Luật Sở hữu trí tuệ, mức phạt từ 5-20 triệu đồng (tái phạm phạt 100 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe các cơ sở làm thuốc giả, bởi lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất lớn. Ngoài ra, vì lo ngại thông tin về thuốc giả ảnh hưởng tới uy tín của mình, một số chủ sở hữu số đăng ký đã không chủ động thông báo cho cơ quan quản lý hay cảnh báo cho người dân khi sản phẩm của mình bị làm giả… Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng, giải pháp mà Cục Quản lý dược đưa ra là cần quy định rõ các hình thức xử phạt hành chính nghiêm khắc (về tài chính và chuyên môn) đối với những hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào; thành lập lực lượng kiểm soát viên trong ngành dược làm nhiệm vụ kiểm soát chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Các doanh nghiệp dược cũng cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả; cung cấp cho các cơ quan chức năng đầy đủ thông tin về hàng thật, hàng giả, các thông số kỹ thuật, phương tiện để kiểm tra, hỗ trợ giám định… Phát hiện thuốc giả không dễ với những người có chuyên môn nên càng khó với người tiêu dùng. Bởi vậy, chỉ khi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu cùng đồng lòng "chống" nạn thuốc giả, thì khi đó, người bệnh mới an tâm rằng uống thuốc để chữa bệnh, chứ không phải mang thêm bệnh vào người.
Đông dược bị thả nổi Không chỉ thuốc Tây mà chất lượng thuốc Đông dược cũng đang bị thả nổi. Kết quả nhiều đợt kiểm tra của thanh tra Sở Y tế tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) – nơi kinh doanh thuốc Đông dược với khối lượng lớn – cho thấy, chất lượng dược liệu đầu vào chưa quản lý chặt do dược liệu chủ yếu nhập lậu. Đông dược được phơi hai bên vỉa hè không che đậy và được chế biến ngay trên nền đất. Thuốc Đông dược được làm giả rất tinh vi, đơn cử như hoài sơn có tác dụng bổ khí, bổ tì vị, hiện nay trên thị trường có ít nhất 4-5 loại hoài sơn làm từ khoai mì, khoai mỡ. Hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ huyết bị thay thế bằng hà thủ ô trắng hoặc củ nâu làm thuốc nhuộm vải. Nguy hại nhất là tình trạng nhà thuốc làm cho Đông dược dẻo, mềm mại, trắng sáng và chống mối mọt, ẩm mốc bằng cách xông lưu huỳnh. Mùi lưu huỳnh gây nhức đầu, chóng mặt. Chất này nếu tích lũy nhiều trong cơ thể có thể gây ung thư.
Chưa có bình luận.