Thứ Sáu, 28/10/2016 | 13:33

Mắc bệnh xơ gan rồi giờ chuyển
thành ung thư gan, ông Nguyễn Văn Lộng, 54 tuổi, trú tại Lạc Sơn, Hoà
Bình lúc nào cũng ân hận không nói nên lời.

>> Trẻ nhỏ bị trụy tim mạch, tử vong do bị côn trùng ngay trong nhà đốt

Ung thư do rượu

Ông Lộng là một trong hàng nghìn bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện K Hà Nội.

Ông
Lộng chỉ mong mình có thể vượt qua những tháng ngày đau đớn lúc cuối
đời, còn ông thừa biết bệnh của mình như “cá nằm trên thớt”, chết lúc
nào chẳng hay.

Vợ ông Lộng bằng tuổi ông nhưng nỗi vất vả in hằn lên gương mặt khiến bà già như người phụ nữ ngoài 60.

Nói về bệnh của chồng mình, bà kể, 5 năm trước ông Lộng phát hiện xơ gan, đã điều trị mấy tháng liền rồi về nhà uống thuốc lá.

Bệnh
đỡ hơn nhưng không hiểu sao giờ này bệnh lại nặng thêm, bụng trướng to.
Đi siêu âm bác sĩ cho biết xơ gan đã ung thư hoá, có di căn phổi.

Những
ngày trẻ khoẻ, ông Lộng chẳng giúp vợ con được nhiều nên khi về già
mang trong mình căn bệnh nặng thập tử nhất sinh, ông luôn tỏ ra ân hận.

Cố nén cơn đau, ông kể, ngày còn trẻ ông có công ăn việc làm ổn định ở Bình Dương, nhưng rượu đã cướp đi của ông tất cả.

Ông
nghiện rượu quá, lại làm công việc cần sự tỉ mỉ và tinh thông nên cơ
quan điều chuyển ông sang công việc khác. Chán nản ông càng nghiện rượu
nặng hơn rồi dần dần bị sa thải.

Mỗi ngày ông uống một bịch rượu.
Những năm 2000 ông chỉ uống có 1.000 đồng rồi lên đến 3.000 đồng. Cuộc
sống khó khăn chồng chất, không trụ lại được ở miền nam, ông đưa vợ con
về quê ở Lạc Sơn, Hoà Bình.

Về đây, ông vẫn chứng nào tật đó, ngày
nào cũng rượu. Đến năm 2011 ông bị bụng trướng, da vàng, đi khám bác sĩ
chẩn đoán xơ gan.

Nằm điều trị 1 tháng ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sau đó ông về nhà điều trị và tái khám dần.

Đến
tháng 7 vừa rồi, ông bị đau bụng trở lại, chán ăn, ăn không ngon. Đi
khám thì đã có u ở gan kèm theo các hạch ở phổi, trung thất. Bác sĩ ở
bệnh viện Bạch Mai chuyển ông sang bệnh viện K điều trị.

Ông Lộng
kể: “Ung thư gan của tôi chỉ có thể do rượu thôi. Tôi đã bỏ rượu rồi
nhưng giờ bỏ cũng có ích gì, chẳng qua là bỏ để con cái nhìn vào đó mà
học tập, đừng giống tôi”.

Những cơn đau cứng bụng khiến ông nghiến răng chịu đựng. Những người quanh ông cũng là nạn nhân của rượu.

“Ở đây ông nào cũng uống rượu nhiều lắm nên toàn bị thực quản, khoang miệng, dạ dày, với gan” – Ông Lộng chia sẻ.

Gần hai tháng ở Bệnh viện K, ông Lộng đã thuộc được các yếu tố gây ung thư cũng như hiểu được căn bệnh của mình.

Không có ngưỡng uống rượu nào là an toàn

Cũng
bị ung thư thực quản phải điều trị 6 tháng nay, mở thông dạ dày ăn bằng
đường truyền thức ăn qua sườn, ông Nguyễn Văn Đ. 57 tuổi trú tại Long
Biên, Hà Nội xót xa khi cuộc sống của mình cứ mòn mỏi ở trong bệnh viện.

Ông
Đ. vào viện điều trị chỉ có con gái đi theo chăm sóc, còn các con của
ông ai cũng bận. Vợ ông qua đời cách đây 3 năm vì ung thư buồng trứng.

Ông
Đ. nhăn nhó với niềm tiếc nuối: “Kể từ ngày vợ tôi qua đời, tôi mới
thôi không uống rượu chứ trước đây cả tuần tôi về nhà ăn cơm với vợ được
1 – 2 buổi thôi, còn lại nhậu nhẹt với bạn bè. Đến nay bệnh trọng mới
ân hận”.

Ông Đ. nhớ lại hồi tháng 3, khi biết bệnh, ông vào viện
gặp bác sĩ để khám và sinh thiết u thực quản. Bác sĩ nhìn thấy ông bụng
phệ, béo khoẻ liền hỏi “có uống rượu bia không”.

Lúc đó, ông Đ.
nghĩ sao lại hỏi điều đó, có phải vì bụng của ông phệ ra không? Nhưng
sau này ông mới biết 10 người bị ung thư thực quản thì 6, 7 người là đệ
tử lưu linh.

Bác sĩ Trần Quốc Bảo, phòng Kiểm soát bệnh truyền
nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, rượu chính là thủ phạm gây
ra rất nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư.

Rượu gây độc cho tế
bào, tác động sinh – chuyển hóa lên tế bào, từ đó dẫn đến các bệnh mãn
tính, bệnh không lây nhiễm như ung thư, tăng huyết áp.

Rượu bia và
ethanol được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRAC) xếp vào nhóm
chất gây ung thư gồm: ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản,
đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Theo đó, không có ngưỡng uống rượu bia nào là an toàn để phòng bệnh ung thư.

Thạc
sĩ Bảo cho biết việc uống rượu bia, ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng
nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, kể cả với những người không hay uống.

Các
nguy cơ mắc ung thư liên quan đến rượu bia giảm dần theo thời gian từ
khi ngừng uống rượu bia, nhưng có thể phải mất nhiều năm trước khi nguy
cơ giảm xuống ở mức như những người bình thường.

Theo Infonet

Nguồn: TTOnline

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook