Thứ Tư, 01/11/2023 | 09:32

Thực trạng bệnh ung thư thực quản tại Việt Nam

Theo các báo cáo khoa học, Việt Nam hiện có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư thực quản… Trong đó, những ca bệnh mắc ung thư thực quản gia tăng ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở tuổi trung và cao niên, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ.

Vai trò của thực quản

Thực quản là một thành phần của ống tiêu hóa (còn gọi là đường tiêu hóa, đường ruột). Hệ tiêu hóa bao gồm: miệng, họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng (ruột già), trực tràng và hậu môn. Hệ tiêu hóa có vai trò tiếp nhận, vận chuyển và phân hủy thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

Thực quản có cấu trúc hình ống, dài khoảng 25cm và rộng khoảng 2,5cm. Khi nuốt thức ăn vào từ miệng, nhờ vào sự co bóp của ống tiêu hóa (gọi là nhu động), đồng thời với tác động của trọng lực, thức ăn sẽ di chuyển qua thực quản và đến dạ dày. Thực quản nằm phía sau khí quản (đường thở) và phía trước cột sống. Thực quản được chia làm 3 đoạn: trên, giữa, dưới.

Ung thư thực quản, nguyên nhân gây bệnh

Bao gồm ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến, tùy thuộc vào từng loại tế bào gây ung thư. Đến thời điểm hiện tại khoa học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính gây ung thư, tuy nhiên các yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này có thể kể đến như lạm dụng các chất kích thức như rượu, bia, thuốc lá, do chế độ dinh dưỡng chưa khoa học, lạm dụng chất béo, do ăn uống nhiều thực phẩm chứa chất nitrosamin, do thiếu các loại vitamin A, B2, C…

Tại Việt Nam 3 loại ung thư đường tiêu hoá phổ biến gồm ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, đặc biệt ung thư thực quản đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới và con số tử vong tương đương. Nguyên nhân do phần lớn các ca bệnh đều phát hiện khi đã ở giai đoạn tiến triển, người bệnh chỉ đi khám khi bệnh đã có dấu hiệu chuyển nặng.

Bệnh xuất hiện khi các tế bào của thực quản phát triển bất thường không thể kiểm soát, bao gồm 2 dạng chính:

Ung thư biểu mô tế bào gai (còn gọi là tế bào vảy): thường gặp ở thực quản đoạn trên và giữa, phổ biến ở người châu Á và Đông Âu.

Ung thư biểu mô tế bào tuyến: thường gặp ở thực quản đoạn dưới, nhưng cũng có thể gặp ở thực quản đoạn giữa. Dạng biểu mô tế bào tuyến thường gặp ở người Bắc Mỹ và Tây Âu.

Các dạng ung thư thực quản ít gặp hơn bao gồm: sarcoma, lymphoma, ung thư biểu mô tế bào nhỏ, melanoma… Ngoài ra, cũng có thể gặp trường hợp ung thư từ cơ quan khác di căn đến thực quản, chiếm 3% số ca ung thư thực quản được ghi nhận. Các ung thư có thể di căn đến thực quản bao gồm ung thư hắc tố da, ung thư vú, ung thư vùng đầu cổ, phổi, dạ dày, gan, thận, tuyến tiền liệt, tinh hoàn, xương…

Các nguy cơ gây bệnh

Việc tiêu thụ thường xuyên các loại thực phẩm chứa Nitrosamin như dưa muối, cá muối, thực phẩm đóng hộp… hoặc một số loại nấm sản sinh độc tố như Aflatoxin cũng gây ảnh hưởng đến thực quản.

Đồ uống và thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao: sử dụng thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao trên 60 độ C có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào gai thực quản do nhiệt độ cao gây tổn thương niêm mạc thực quản. Ngoài ra thói quen nhai trầu, cau ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam cũng có thể gây ung thư…

Tình trạng thừa cân, béo phì có thể gây tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào tuyến thực quản. Điều này có thể do người béo phì thường có khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản cao hơn.

Tiền căn cắt dạ dày: Bệnh nhân đã cắt một phần dạ dày có nguy cơ mắc ung thư thực quản. Viêm teo dạ dày: Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc gấp 2 lần.

Các bệnh lý/tổn thương thực quản khác: Một số bệnh lý như Achalasia (co thắt tâm vị) làm tăng nguy cơ ung thư thực quản gấp 16 lần, hoặc người bị bỏng thực quản do hóa chất (như nước giặt quần áo) cũng có thể mắc ung thư nhiều năm sau. Tiền căn bệnh lý ung thư khác như ung thư vòm hầu, hốc miệng, khẩu hầu, ung thư thanh quản, ung thư phổi… cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố di truyền: Bệnh Barrett thực quản gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Bloom, thiếu máu Fanconi, Tylosis (một bệnh lý di truyền hiếm gặp gây dày sừng da lòng bàn tay, bàn chân)…

Khuyến cáo của chuyên gia

Đến thời điểm hiện tại, thế giới vẫn chưa xác định được rõ ràng các yếu tố nào là nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) đã cảnh báo mối liên quan giữa việc uống rượu bia, hút thuốc lá và nguy cơ ung thư để cảnh báo những hệ luỵ đến người dân. Nguy cơ gây ung thư từ hút thuốc lá gồm cả chủ động (là người hút trực tiếp) và thụ động (là người tiếp xúc với khói thuốc lá) còn mắc các bệnh lý ung thư khác như ung thư vùng đầu cổ, ung thư phổi, ung thư bàng quang… do đó Bộ y tế khuyến cáo người trung, cao tuổi nên nói không với hút thuốc lá, tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook