Thứ Ba, 22/03/2016 | 23:30
Thực hư giun đất chữa bệnh ung thư?Giun đất đã được phơi khô và bày bán ở một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM)

Giun đất (hay còn gọi địa long) được coi là một vị thuốc với vị mặn, có tính hàn, có tác dụng giải nhiệt độc, an thần. Thời gian gần đây, nhiều người săn lùng mua giun đất vì tin rằng giun đất có thể chữa bệnh ung thư.

Đùa giỡn với tính mạng

Chúng tôi đi tìm mua giun đất tại khu thuốc Bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Lương Nhữ Học (Q.5, TP.HCM). Tại đây, nói đến giun đất, các cửa hiệu đều có bán. Trong vai một khách hàng tìm bài thuốc về giun đất cho người nhà chữa bệnh, chủ một tiệm thuốc Đông y nhanh nhảu giới thiệu: “Gần đây, khách hàng hỏi mua giun đất nhiều lắm. Giun đất có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là ung thư đó. Giun đất phơi khô giá 650.000 đồng/kg thôi à”. Nói rồi người bán vội lấy giấy ghi bài thuốc cho khách. Bên cạnh chúng tôi, một khách hàng khác lẩm nhẩm đọc lại bài thuốc vừa được chủ cửa hàng cho: “Địa long (giun đất) 50g; đậu đen 50g; đậu đỏ 50g…”. Không biết bài thuốc này xuất phát từ đâu nhưng nhiều người vẫn truyền tai nhau một cách mê muội vì tin rằng bài thuốc này có thể sẽ chữa được bệnh ung thư. Trên một trang bán giun đất trên mạng, giun đất được giới thiệu với những tác dụng: “Trị ung thư bạch cầu, ung thư xương và ung thư não”. Không biết tác dụng đến đâu nhưng lượng người đã và đang sử dụng giun đất một cách thiếu hiểu biết vẫn không phải là ít.

“Người bệnh không nên dại dột tự đầu độc mình bằng những bài thuốc thiếu cơ sở khoa học. Nên cẩn trọng trước những thứ liên quan đến sinh mạng của mình. Về lâu dài, những bài thuốc đó không có tác dụng chữa bệnh mà còn làm suy giảm thêm hệ miễn dịch của cơ thể”, lương y Nguyễn Công Đức khuyến cáo.

Chị Nguyễn Thị Thu (Q.3) cho biết: “Tôi có nghe bài thuốc này từ một người bạn. Họ bảo hiệu nghiệm lắm nên tôi cũng muốn thử cho người nhà xem sao. Uống giun đất tươi thì thấy ghê quá nên mua giun đất phơi khô. Nhắm mắt đánh liều để uống thôi, biết đâu lại khỏi bệnh”. Tâm lý của chị Thu cũng là tâm lý của một số người khi tự lấy mình hoặc người nhà làm “chuột bạch”, mê muội tin vào những bài thuốc không có cơ sở, nguồn gốc nào. Không chỉ với những người bệnh, giun đất tươi lại đang trở thành món ăn được nhiều bạn trẻ “săn lùng” bởi với họ, đây là mốt ăn côn trùng “độc, lạ”, thể hiện “đẳng cấp” của chính mình.

Đừng biến mình thành “chuột bạch”

Giun đất còn gọi là trùn, địa long, thổ long, khâu dẫn…, là một vị thuốc đã được sử dụng lâu đời trong Đông y. Tuy nhiên, những tác dụng của giun đất trong việc chữa trị căn bệnh ung thư thì chưa có một kết luận nào chính xác. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lương y Nguyễn Công Đức, nguyên giảng viên Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Giun đất chứa hàm lượng axít linoleic rất cao, cùng khoáng chất vi lượng chống ôxy hóa selen giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng trong cơ thể. Đông y còn kê vị thuốc này để trị sốt rét, co giật, giải độc. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có bất cứ một tài liệu nào nói về tác dụng của giun đất đối với việc chữa trị bệnh ung thư”.

Với bài thuốc gồm giun đất, các loại đậu đen, đậu đỏ, rau ngót, nhiều người vẫn đang sử dụng với niềm tin sẽ chữa được bệnh ung thư. Dẫu biết tâm lý của nhiều người bệnh là “còn nước còn tát” nhưng các bài thuốc dạng “truyền khẩu”, không có nguồn gốc rõ ràng, thiếu sự kiểm chứng có thể sẽ gây ra những tác hại mà ít ai lường trước được. “Tôi có nghe về bài thuốc chữa ung thư gồm giun đất, các loại đậu, rau bồ ngót nhưng bài thuốc này không hề có một cơ sở khoa học nào. Đó đều là những vị thuốc có vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tăng sức đề kháng của cơ thể chứ không có tác dụng trong việc chữa trị bệnh ung thư như lời đồn thổi của nhiều người. Người bệnh không nên biến mình thành “chuột bạch” và đùa giỡn với tính mạng của mình”, lương y Nguyễn Công Đức nhấn mạnh.

Số lượng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động. Điều trị ung thư là cuộc chiến dai dẳng, cần sự kiên trì, chủ yếu dựa trên miễn dịch của chính bản thân người bệnh.

Bài, ảnh: Yên Hà

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook