Thứ Sáu, 06/04/2018 | 11:13

Điều trị bệnh tiểu đường bằng tế bào gốc

Tiểu đường là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Biến chứng của tiểu đường dẫn đến các bệnh về tim mạch, thần kinh, thận, suy giảm thị lực…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Áp dụng phương pháp cấy tế bào gốc, các nhà khoa học hy vọng sẽ mang lại một cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân mắc căn bệnh trầm kha này.

Gia tăng bệnh nhân mắc tiểu đường trên thế giới

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong đó chủ yếu là ĐTĐ týp 2 thường được phát hiện muộn với những biến chứng nặng nề, chi phí điều trị và quản lý bệnh rất tốn kém. Theo WHO, bệnh đang trở thành dịch bệnh nguy hiểm trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Thông kê trong năm 1994, toàn thế giới có 110 triệu người đái tháo đường, năm 1995 tăng lên 135 triệu (4% dân số thế giới). Ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) số người mắc bệnh ĐTĐ năm 2010 là 246 triệu người, năm 2014 là 422 triệu người, tốc độ gia tăng của bệnh ĐTĐ là 55% mỗi năm. Dự kiến số người ĐTĐ sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.

Ngoài ra, số người tiền ĐTĐ cũng đang trở thành vấn đề sức khỏe chính toàn cầu do người tiền ĐTĐ có nguy cơ rất cao phát triển thành bệnh ĐTĐ thực thụ cũng như nguy cơ tăng cao về các bệnh lý tim mạch. Theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế chỉ tính riêng các đối tượng rối loạn dung nạp glucose của năm 2013 là 316 triệu người (6,9%), ước tính con số này sẽ tăng lên 471 triệu người (8,0%) vào năm 2035.

Theo dự đoán của các chuyên gia y tế thế giới trong vòng 20 năm tới bệnh sẽ tăng 42% ở các nước công nghiệp phát triển, trong khi những nước đang phát triển tỉ lệ bệnh sẽ tăng tới 170%.

Canada thử nghiệm điều trị tiểu đường từ tế bào gốc

Canada hiện đang có khoảng 300.000 bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1. Bệnh tiểu đường tuýp 1 nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ bị mù, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy giảm chức năng thận và thần kinh.

Song hành với những giải pháp điều trị cũ, các nhà khoa học Canada đã áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc trong điều trị tiểu đường.

Cụ thể, các nhà khoa học tại trường Đại học British Columbia của Canada đã thực hiện cấy tế bào gốc cho anh Joshua Robertson, một cư dân thành phố Vancouver. Tiến hành cấy ghép 3 túi tế bào gốc mỏng vào phần da bụng dưới cho bệnh nhân.

Sau khi được đưa vào cơ thể người bệnh, các tế bào gốc sẽ hoạt động giống như tế bào tuỵ và sản xuất ra insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu. Các bác sỹ hy vọng phương pháp này thành công sẽ giúp những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 kéo dài tuổi thọ, hưởng thụ một cuộc sống vui, khỏe, có ý nghĩa như bao người bình thường khác.

Yhocvn.net (Theo vtv.vn)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook