Sử dụng kính sai độ khúc xạ có thể gây rối loạn điều tiết, bị nặng sẽ gây co quắp điều tiết. Từ đó, trẻ nhìn mờ và thường xuyên nhức mắt.
Đeo kính là giải pháp an toàn nhất đối với người có tật khúc xạ mắt. Tuy nhiên, theo Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 50% bệnh nhân đến khám khúc xạ mắt đang đeo kính sai với độ khúc xạ của mắt mình.
Việc đeo kính sai khiến mắt luôn phải điều tiết bất thường, gây cảm giác nhức mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Đeo kính sai bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ các bậc phụ huynh khi cho con đeo kính từ các cơ sở y tế không đạt chuẩn.
Khi trẻ mắc tật khúc xạ sẽ có biểu hiện như: nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn. Đôi khi trẻ có thể thấy nhức đầu, nhức mắt, không nhìn rõ bảng ở lớp.
Trong chương trình Giờ gia đình (VTV2), Bác sĩ Nghiêm Thị Thu Trang, Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chobiết: “Khi cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu bị cận thị sẽ thường đưa đến các cửa hàng kính mắt để khám và cắt kính. Tại đây, các nhân viên dobán kính là chủ yếu và không được đào tạo chuyên sâu về khúc xạ nên có thể cắt kính không chính xác.
Với trẻ bị cận thị, ngoài thử khúc xạ chủ quan là thử kính, mà còn phải thử khúc xạ khách quan như soi bóng đồng tử hoặc các bài kiểm tra về khúc xạ để tìm ra chỉ số cận thị chính xác nhất.
Trong trường hợp trẻ đã được cắt kính để điều trị cận thị, tuy nhiên, nếu chưa được cấp đủ số kính có thể gây ra tình trạng nhìn không rõ, mắt vẫn phải điều tiết để nhìn được vật ở xa. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy cận thị tiến triển. Trường hợp trẻ sử dụng kính quá số so với chỉ số thực, có thể gây rối loạn điều tiết, bị nặng sẽ gây co quắp điều tiết. Từ đó, trẻ nhìn mờ và thường xuyên nhức mắt.”
Đề phòng tật khúc xạ ở trẻ cần chú ý:
– Hướng dẫn trẻ ngồi học thẳng lưng.
– Mắt cách mặt chữ 30 cm.
– Phòng học đủ ánh sáng.
– Bàn học đúng tiêu chuẩn, đèn phải đối diện với tay cầm bút.
– Tuân thủ đầy đủ chế độ giải lao, vui chơi và dinh dưỡng hợp lý.
Phạm Anh (Nguồn VTV)
Nguồn: zing
Chưa có bình luận.