Chủ Nhật, 12/03/2017 | 05:55

Khi điều trị bệnh ung thư, tóc rụng là điều không thể tránh. Nhiều chị em không chịu nổi áp lực khi chứng kiến mái tóc đen nhánh từng ngày rơi xuống nên đã quyết định cạo hẳn, tránh nỗi vướng bận, lo lắng.

Bước vào khoa Nội 2 của bệnh viện K nằm trên phố Quán Sứ (Hà Nội), bất cứ ai cũng sẽ nhìn thấy hình ảnh những bệnh nhân đang mệt mỏi sau nhiều giờ điều trị hóa chất. Hầu hết những người đeo thẻ bệnh nhân đều đội mũ len kín hết đầu. Họ đội mũ len không phải vì lạnh, mà vì muốn che đi mái đầu đã rụng tóc sau khi truyền hóa chất, xạ trị.

Nỗi buồn gắn với mái tóc

Nằm một mình trên trên giường bệnh, chị X. (Thái Nguyên) tâm sự, chị đã điều trị ung thư bằng hoá chất được 3 tháng nay. Cách đây gần 1 năm, chị phát hiện mình bị ung thư dạ dày. Chồng chị đưa chị từ quê Thái Bình lên bệnh viện K chạy chữa. Sau 2 đợt điều trị hoá chất, tóc chị rụng dần. Chỉ sau gần 2 tháng, đầu chị gần như không còn tóc.

Là người phụ nữ, cái răng mái tóc là góc con người, nay mái tóc không còn khiến chị X. tự ti hẳn, đi đâu cũng đội mũ len kín đầu.

Chị X. chia sẻ trong xót xa: “Ban đầu, việc chạy chữa do bên nhà chồng chu cấp, chồng tôi vay mượn, bán của đi để lấy tiền cho vợ chữa bệnh, nhưng được chừng 2 tháng thì mẹ chồng tôi gọi điện cho chồng bảo phải bỏ tôi. Do gia đình nhà chồng không thể nuôi nổi một đứa con dâu bệnh sắp chết, lại xấu xí thế này”.

Biết được cuộc đối thoại của mẹ chồng, chị X. lựa chọn về lại nhà mẹ đẻ, để chồng về lại bên nội. Bố mẹ chị vận động mãi, chị mới lên điều trị nội trú.

“Là phụ nữ, không có tóc tủi thân lắm. Ngày xưa, lúc tóc còn nhiều, mỗi khi gội đầu chải tóc thấy rụng một vài sợi đã thấy tiếc lắm rồi. Giờ chẳng còn sợi nào nữa“, chị X tâm sự.

“Sau lần hóa trị đầu tiên, chỉ sau 1 tuần, tóc tôi rụng nhiều. Tôi chả dám chạm vào tóc mình, cứ nghĩ chỉ cần sờ vào là nó rụng hết. Cuối cùng, khi không chịu nổi nữa tôi đã phải nhờ chị gái cạo hết đi để không vướng bận, áp lực khi thấy tóc rụng”, chị X nói thêm.

Khi hỏi chị có ý định mua tóc giả về đội cho đẹp không, chị X. lắc đầu cười chua chát: “Thôi, mua tóc giả làm gì, tôi cũng chẳng mấy khi ra ngoài. Mà có đội lên thì cho ai xem, cho ai ngắm”.Nói đến đây, chị X. chỉ cười trừ.

Tâm sự chua chát của những bệnh nhân ung thư không dám để lộ mái đầu sau hóa trị

Đối với nhiều bệnh nhân nữ mắc bệnh ung thư, mái tóc đen nhánh bị rụng đi là nỗi mất mát lớn, mất đi sự tự tin của người phụ nữ

Nằm chung phòng bệnh với chị X., chị Nguyễn Phương Linh(36 tuổi) cũng chia sẻ câu chuyện của mình, về mái tóc xanh mà chị luôn tiếc nuối. “Tôi lấy chồng năm 2012, năm 2014 thì sinh đứa con gái đầu lòng. Vừa sinh con được hơn 1 năm thì thấy bị đau bụng, đi khám bị phát hiện ung thư đại tràng. Biết tin mình bị ung thư, tôi sợ lắm, ôm con khóc cả ngày”, chị Linh cho hay.

Sau những ngày hoảng loạn, chị Linh đã được gia đình động viên đi chữa bệnh. “Tôi chiến đấu với bệnh cũng được được hơn 1 năm rồi. Cuối cùng vẫn về Viện K điều trị nội trú, mỗi tháng điều trị hoá chất 1 lần. Vừa qua chu kỳ điều trị được 1 tuần, tóc rụng phân nửa mà ngao ngán”, chị Linh nói.

Tâm sự chua chát của những bệnh nhân ung thư không dám để lộ mái đầu sau hóa trị

Những bệnh nhân mắc bệnh ung thư hầu như đều cạobỏ hẳn tóc,cố gắng bỏ qua vấn đề tóc rụng để yên tâm chữa bệnh.

“Những ngày đầu, tóc bắt đầu rụng xơ xác, tôi bị mấy đứa trẻ không hiểu chuyện trong xóm trêu là cô hói. Con đi nhà trẻ về cũng bi bô gọi tôi là cô hói vì nghe bạn bè trêu thế. Lúc mới nghe tôi buồn lắm, nước mắt cứ trào ra. Số tóc chưa rụng thì vừa xơ vừa cứng. Cực chẳng đã, tôi nhờ chồng cạo hết”, chị nói.

Lúc mới vào viện K, chị thấy nhiều người cũng như mình, tâm sự với nhau mới biết hoàn cảnh mỗi người đều có cái khổ riêng.

Chị Linh còn vui vẻ chia sẻ, cô con gái năm nay gần 3 tuổi đã rất hiểu chuyện, còn nói với mẹ rằng sau này sẽ nuôi tóc thật dài rồi cắt bớt đi để chia cho mẹ. Chị Linh tâm sự: “Có người tóc rụng hết thì bị chồng bỏ, có người vì chữa trị hết nhiều tiền quá nên cũng tìm cách xin về để chết, tiền nong để lại cho con cháu sau này. Tôi vẫn may mắn vì dù không còn tóc, ốm yêu nhưng chồng con luôn bên cạnh”.

Làm gì sau hóa trị để tóc mọc lại?

Tình trạng rụng tóc thường xảy ra khi bệnh nhân hóa trị liệu được khoảng 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, việc rụng tóc còn tùy thuộc vào các loại thuốc, liều lượng sử dụng và mức độ nặng nhẹ. Khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc hóa trị thì tóc cũng sẽ dần mọc trở lại như cũ.

Thực tế, việc hóa trị trong điều trị bệnh ung thư là điều không thể tránh khỏi, vậy nên việc rụng tóc thường xuyên xảy ra với các chị em.

Tuy nhiên, các chị em có thể chăm sóc da đầu một cách nhẹ nhàng để kích thích tóc mọc lại sau khi ngừng hóa trị, bởi lẽ tóc bị rụng do hóa trị sẽ nhanh chóng mọc lại sau 1 – 2 tháng. Cụ thể, các chị em nên sử dụng loại dầu gội nhẹ để tránh kích ứng, dùng lược loại mềm, thưa để kích thích mạch máu dưới da đầu, giúp tóc mọc nhanh hơn và sấy tóc ở nhiệt độ thấp nhất.

Để giúp tóc mau mọc lại, các chị em có thể ăn các loại thức ăn từ các hạt ngũ cốc như đậu đen, mè đen, cám gạo. Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hoài Dung (BV Nhiệt đới TƯ) chia sẻ thêm: “Các chị em có thể ăn nhiều loại rau củ quả như cần tây, cà rốt, cải xoăn, củ cải đường, dưa chuột, giá đỗ, cá, trứng,… Những thực phẩm này thuận lợi cho sự tăng trưởng của tóc. Ngoài ra, nên chú ý dùng những thực phẩm giào vitamin B, vitamin E… để tóc có thể tái tạo mới”.

Lương Chi

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook