Chủ Nhật, 15/11/2015 | 19:34

Xuất phát từ Y học cổ truyền, tẩm quất, giác hơi chỉ thực sự phát huy được tác dụng chữa bệnh khi được người có hiểu biết thực hành sử dụng.

Không phải để giải trí

TheoY học cổ truyền, tẩm quất, giác hơi là phương pháp phòng và chữa bệnh bằng cách thông qua các tác động của tay và nhiệt vào huyệt đạo, kinh lạc để đuổi ngoại tà, điều hòa được dinh vệ, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ. Đây là hai phương pháp tách biệt nhau.

Theo đánh giá của lương y Khương Lâm Hưng (Tây Sơn, Hà Nội) thì người thực hiện tẩm quất, giác hơi phải nắm vững kỹ thuật Đông y, phải hiểu sâu được kinh lạc, các huyệt. Hai phương pháp này có thể dùng để thư giãn nhưng nếu không đúng kỹ thuật có thể gây nguy hại cho sức khỏe người dùng. Bình thường một người học xoa bóp tẩm quất chỉ có thể hành nghề sau 1-2 tháng học nghề, để thành thục phải mất hơn năm.

Nhưng hiện nay, nếu gõ hai từ tẩm quất, giác hơi trên google, bạn sẽ tìm được vô số những mẩu tin rao vặt giới thiệu dịch vụ này tận nhà. Khi gọi điện tới số 0912729… tôi nghe giọng một phụ nữ trẻ xưng tên Hương sẵn sàng phục vụ tẩm quất giác hơi tại nhà. Khi nghe nói dạo này tôi hay đau người thì chị khẳng định ngay: “Đúng rồi, Hà Nội đang nắng nóng thế nên người mỏi mệt. Làm quy trình này là khỏi ngay”. Tôi hỏi có phải xem xét tình hình sức khỏe của người cần làm không thì chị nói ngay “không cần”. Cẩn thận hơn, tôi hỏi “tôi có huyết áp không ổn định, người gầy yếu thì sao”. Chị cười “Thế thì dùng dịch vụ này càng tốt, giúp ổn định cả huyết áp, thoải mái toàn thân”. Hỏi về thời gian mỗi lần làm thì chị Hương cho biết một quy trình hoàn thiện khoảng hai tiếng đồng hồ. Chi phí dịch vụ tính theo giờ và theo khoảng cách.

Dọc đường Nguyễn Đức Thọ vào các buổi tối mùa hè cũng la liệt những người ôm chiếu dạo mời khách tẩm quất. Khách là những người đi hóng mát. Sau lời mời và “ngã giá”, khách cởi trần, nằm trên chiếu và cuộc tẩm quất ngay giữa trời được mở màng. Những người làm nghề chủ yếu là dân ngoại tỉnh lên phố kiếm sống học nghề này bằng cách truyền kinh nghiệm. Họ có thể là công nhân xây dựng, là xe ôm và tối về kiếm thêm bằng cách ôm chiếu mời khách dạo. Còn tại các cửa hàng cắt tóc, tẩm quất giác hơi thường do các nhân viên trẻ thực hiện. Việc học nghề cũng chỉ diễn ra trong 1-2 tuần.

Tốt nhưng có nhiều cấm kỵ

Tuy những người làm nghề tẩm quất, giác hơi rong đã có những đóng góp nhất định cho sức khỏe người dân. Nhưng thực chất đó chỉ là những hoạt động nghiêng về thư giãn nhiều hơn và cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ tai nạn nếu không chuẩn kỹ thuật. Còn nếu dùng tẩm quất, giác hơi để chữa bệnh thì chỉ những thầy thuốc có tay nghề mới có thể làm được nhưng cũng cần xem xét qua tiền sử bệnh, tình hình sức khỏe hiện tại… của khách.

Cũng theo Y học cổ truyền, sự biến đổi của con người là do chức năng phủ tạng rối loạn. Khi phủ tạng “ốm” sẽ phản ánh lên con đường kinh lạc (con đường vận hàng, truyền dẫn khí huyết). Do đó xoa bóp giúp vận hành kinh lạc, phố hợp chức năng phủ tạng sẽ chống được tà khí.Tại Viện Y học Cổ truyền Việt Nam (Hà Nội), các bác sĩ đã dùng giác hơi chữa bệnh theo nguyên lý dùng nhiệt, sức hút chân không gây ra phản ứng xung huyết tại chỗ để chữa bệnh. Giác hơi là dùng nhiệt để chữa bệnh do hàn gây ra như: đau nhức xương khớp, cảm hàn, đau bụng, đau gáy…

Xoa bóp giúp dịu thần kinh, tăng chức năng bệnh hen, giảm mức glucose ở bệnh tiểu đường, hạ huyết áp cho bệnh nhân cao huyết áp. Các hoạt động của ngón tay trên các kinh lạc còn gây tác động tới gân cốt, da.

Tuy nhiên theo cảnh báo của bác thì tẩm quất cũng để lại những tai nạn như bong gân, sai khớp… nếu người thực hiện không hiểu kỹ thuật vặn bẻ khớp hoặc áp dụng cho những người có tiền sử bệnh lý. Với người có bệnh viêm tĩnh mạch mà được xoa bóp cũng có thể làm vỡ cục huyết gây ra nhiễm trùng. Tẩm quất không nên áp dụng cho người loãng xương, tim phổi nặng.

Không riêng Y học cổ truyền, y học hiện đại cũng đã tận dụng hai phương pháp chữa bệnh vốn xem là cổ điển này. Đầu năm 2010, các nhà khoa học Đại họcCharite (Đức) đã nghiên cứu thực hiện đưa giác hơi vào chữa bệnh viêm khớp gối. Họ dùng ống giác hơi đặt vào đầu gối bệnh nhân khoảng 15 phút. Họ tiến hành thử nghiệm so sánh cho nhóm bệnh nhân chữa bằng giác hơi và nhóm dùng giả dược.

Kết quả cho thấy 70% bệnh nhân dùng giác hơi đã thuyên giảm, trong khi con số ở nhóm kia là 25%. Một nghiên cứu khác ứng dụng giác hơi cho hội chứng ống cổ tay cũng đã thu về kết quả khả quan. Nghiên cứu này hứa hẹn đưa giác hơi trở thành phương pháp mới, ưu thế trong y học hiện đại chữa viêm khớp gối.

Những lưu ý khi giác hơi, tẩm quất

– Không giác hơi, tẩm quất cho người bệnh vì nhiệt có thể làm bệnh nặng thêm.

– Chú ý tránh để bỏng da khi để ống giác quá nóng.

– Những người suy nhược, uống rượu bia xong, người dễ bị xuất huyết dưới da, bệnh tim, thận, quá đói, phụ nữ đang hành kinh thì không được sử dụng phương pháp này.

– Giác hơi, tẩm quất chỉ nên được tiến hành trong phòng tránh gió lùa, không thực hiện ngoài trời đặc biệt tránh nơi gió thổi, bãi biển, phòng quá lạnh. Chính vì vậy, nếu thuê người tẩm quất rong thì bạn nên đừng yêu cầu giác hơi. Những dấu hiệu như nóng, căn, buồn ngủ khi giác hơi được gọi là đắc khí thì bình thường. Nhưng nếu thấy hoa mắt, vã nhiều mồ hôi, ớn lạnh… thì cần ngừng ngay để xử trí kịp thời.

Yhocvn.net

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Những đối tượng tuyệt đối không giác hơi

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook