Thứ Tư, 17/02/2016 | 09:30

Mọc dại trên đồng ruộng, bờ mương trong rừng, cây tầm bóp được dân gian ta biết đến là loài rau dại cứu đói những lúc thiếu ăn. Tuy nhiên, rất ít người biết được loại rau dại này lại là một trong những cây thuốc chữa được nhiều chứng bệnh.

Tầm bóp – rau dại nhiều dinh dưỡng

Cây tầm bóp một trong những loài cây dễ sinh sôi. Tại vùng khí hậu nhiệt đới, chúng ta dễ dàng bắt gặp loại cây này mọc hoang khắp nơi, trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đất hoang hay ven đường làng quê. Ở mỗi một vùng, loại cây này lại có những tên gọi khác nhau như: thù lù, bôm bốp, lồng đèn, luu cái, lụp bụp, bợp bợp, tòm bóp, đùm đụp …

Từ xa xưa, khi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, dân gian đã sử dụng cây tầm bóp là một loại rau dại cứu đói vào thời kỳ giáp hạt. Cũng chính vì vậy mà loài cây này cũng được nhắc tới trong các bài ca dao gắn với cái nghèo của dân ta: “Giàu như ai thì tôi không biết/ Chớ giàu như tôi chừ, ít kẻ muốn vô: Trong nhà trống rỗng, chỗ mô cũng thấy trời/ Trong nhà chẳng thiếu chi đồ chơi/ Nàng nàng, bợp bợp mọc thời huyên thuyên…”. Bợp bợp ở đây chính là cách gọi khác cây tầm bóp của người miền Trung.

Nhắc đến tầm bóp, Lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình khẳng định: “Lá cây tầm bóp rất tốt cho dạ dày với nhiều chất xơ và dinh dưỡng, do đó người ta còn dùng thứ cây này như một vị rau ăn hàng ngày”.

Tầm bóp: Thuốc quý, dễ tìm

Lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình.

Mới đây, quả của cây tầm bóp cũng đã được Thạc sĩ Nguyễn Đặng Toàn Chương, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai phân tích có rất nhiều giá trị dinh dưỡng khác nhau như: chất đạm, chất béo, chất xơ, canxi, sắt, vitaminA, vitamin C… cũng chính vì giá trị dinh dưỡng lớn mà những người làm công việc lênh đênh trên sông nước nên ăn để tránh được bệnh Scorbut(do thiếu vitami C gây ra chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím rộng trên da…).

Dược liệu chữa bách bệnh

Vẫn theo lương y Bùi Hồng Minh: “Tầm bóp là loại cây lành tính, toàn cây có vị đắng, tính mát, không độc. Cây được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm. Khi gặp các triệu chứng này, có thể dùng 50-100g cành, lá, hoa tươi sắc uống hàng ngày, bệnh sẽ nhanh thuyên giảm. Cây có tính mát nên còn được sử dụng ngoài đắp ngoài da trị nhọt, đinh độc hay tắm cho trẻ trị rôm sẩy. Ngoài ra, quả tầm bóp còn có thể phòng ngừa các bệnh về đường tiết niệu và viêm thận.”

Trên thế giới, cây tầm bóp được sử dụng để chữa khá nhiều bệnh phổ biến. Tại Ấn Độ, nó dùng đề điều trị các bệnh như: đau dạ dày, nhiễm trùng vết thường, giúp lợi tiểu… Còn tại Trung Quốc, cây tầm bóp còn được coi là một trong những dược liệu quý trong y học cổ truyền.

Trong y học hiện đại, cây tầm bóp lần đầu tiên được nhà thực vật học kiêm bác sĩ người Thụy Điển Carl Linnaeusmiêu tả khoa học đầu tiên năm 1753. Cây có tên khoa học Physalis angulata L. thuộc họ Cà (Solanaceae). Thành phần hóa học khi chiết xuất dịch cây cho thấy, cây có chứa một số hợp chất loại flavonoid như: anthocyanin, alcaloid, withaminimin, withangulatin… và steroid. Ngoài ra, còn có chlorogenic acid, cholin, xocarpanolid, myricetin, phygrin.

Tầm bóp: Thuốc quý, dễ tìm

Ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh: cây tầm bóp có hoạt tính diệt nhiều dòng tế bào ung thư. Theo thử nghiệm của Khoa Dược, Đại họcY khoa, Viện Đại học Quốc gia Đài Loanthì: physalin F và physalin D trích từ nguyên cây tầm bóp có khả năng ức chế các tế báo ung thư: ung thư gan – hepatoma, ung thư cổ tử cung, ung thư mũi – khí quản, ung thư ruột và ưng thư phổi. Trong đó, khả năng diệt tế bào ung thư mạnh nhất đối với ung thư gan và tử cung.

Một số nghiên cứu khác tại Trường Dược, Đại học Houston, Texas, Mỹ, hay Khoa Dược, Đại Học Fukuoka, Nhật Bản… cũng cho thấy chất flavonol glycosid trích từ lá của cây tầm bóp có tác dụng diệt tế bào ung thư.

Mặc dù là một dược liệu quý, tuy nhiên ở Việt Nam, công dụng của tầm bóp vẫn chưa được nhiều người biết đến. Lý giải về điều này, Lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ: “Có thể tầm bóp rất dễ kiếm ở bất kỳ làng quê nào ở nước ta trên đồng ruộng, bờ mương, sông ngòi, kênh rạch… Cũng chính vì vậy mà mọi người ít để ý đến các đặc tính tốt của loại cây này”.

Để sử dụng cây tầm bóp như một loại rau ăn hàng ngày tốt cho sức khỏe và chữa bệnh, Lương y Bùi Hồng Minh cũng lưu ý mọi người sau khi rau hái về cần phải rửa sạch ngâm nước muối loãng để diệt vi khuẩn. Những nơi có nguồn nước và đất bị ô nhiễm thì không nên hái rau về ăn.

Lê Ngọc

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook