Thứ Ba, 22/03/2016 | 22:01

Ba tháng giữa thai kỳ là lúc thai phụ giảm bớt thai nghén, quen dần với việc mang bầu. Đây cũng là giai đoạn phát triển rất nhanh của thai nhi. Để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và con, thai phụ cần ăn uống và luyện tập đầy đủ, hợp lý để cung cấp dưỡng chất cho thai nhi phát triển bình thường và là điều kiện để phòng tránh các tai biến sản khoa. Tai biến sản khoa xảy ra ở 3 tháng giữa thai kỳ thường gặp là tiền sản giật và tiểu đường.

1. Tiền sản giật

Thai nhi phát triển trong tử cung nhờ chất dinh dưỡng lấy từ cơ thể mẹ truyền qua bánh nhau. Nếu có bất kỳ yếu tố nào tác động đến quá trình truyền dẫn trên cũng sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi, đồng thời tác động tiêu cực trở lại đối với cơ thể mẹ. Tiền sản giật là hiện tượng lưu lượng máu giảm do mạch máu co thắt và nội mạch phù dày, từ đó tác động đến quá trình dẫn truyền chất dinh dưỡng từ mẹ sang con ở trên. Trước đây, người ta thường coi tiền sản giật là do nhiễm độc thai nghén, nhưng ngày nay đã xác định tiền sản giật gắn liền với hiện tượng tăng huyết áp.

Sở dĩ có tên gọi tiền sản giật vì đây là hiện tượng xảy ra trước và có nguy cơ dẫn đến sản giật. Biểu hiện rõ nhất của sản giật là thai phụ lên các cơn co giật, sau đấy lâm vào các tình trạng nguy hiểm khác cho tính mạng của cả mẹ và con.

Những triệu chứng khác của tiền sản giật là phù nề tay chân, xét nghiệm nước tiểu có albumin (protein niệu), hoa mắt, chóng mặt, khó thở. Tiền sản giật có nguy cơ xảy ra trong 3 tháng giữa thai kỳ cho đến sau khi sinh.

– Nguyên nhân của tiền sản giật

+ Thai phụ mang thai con đầu khi chưa đến 20 tuổi và đã ngoài 40 tuổi;

+ Thai phụ thừa cân, béo phì;

+ Thai phụ bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, thận;

– Các điều trị tiền sản giật

Tiền sản giật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi. Tiền sản giật nhẹ có thể làm thai nhi suy dinh dưỡng dẫn đến suy thai. Tiền sản giật nặng dẫn đến sản giật với các biểu hiện như thai phụ sốt cao, co giật, hôn mê, xuất huyết não, rồi tử vong. Khi có những dấu hiệu của tiền sản giật, thai phụ cần được đưa ngay đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sỹ.

– Cách phòng tránh tiền sản giật

+ Phụ nữ muốn sinh con, nên mang thai trong độ tuổi từ 20 đến 35;

+ Thai phụ nên có chế độ dinh dưỡng tốt trước và trong khi mang thai để kiểm soát cân nặng hợp lý;

+ Khám thai định kỳ, chăm sóc thai kỳ kỹ lưỡng;

+ Những thai phụ có bệnh lý hoặc tiền sử tiền sản giật cần được thăm khám và chăm sóc đặc biệt.

2. Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là một hiện tượng thường gặp ở ba tháng giữa thai kỳ, rồi giảm dần và khỏi hẳn sau khi em bé ra đời. Thai phụ có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao là những người có tiền sử bệnh tiểu đường từ trước khi mang thai hoặc đã từng bị tiểu đường thai kỳ. Thai phụ béo phì, thừa cân, mang thai khi tuổi đã cao cũng có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.

Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ dễ bị béo phì, thừa cân và có thể bị tiểu đường sau sinh. Trẻ sơ sinh trong trường hợp mẹ bị tiểu đường sẽ nặng cân hơn bình thường và phải sinh mổ, đồng thời cũng có thể bị hạ đường huyết và gặp một số bệnh về đường hô hấp.

– Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ là do ở ba tháng giữa thai kỳ thai nhi phát triển rất nhanh, thai phụ cần dung nạp rất nhiều năng lượng để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi. Năng lượng dung nạp được chuyển hóa một phần thành dạng đường gluco, để chuyển hóa hết lượng đường gluco này cần một lượng insullin tương ứng tiết ra từ thận của thai phụ. Nếu quá trình tiết lượng insullin không đủ để chuyển hóa hết lượng đường gluco đã dung nạp sẽ làm thừa đường trong máu dẫn đến hiện tượng tiểu đường thai kỳ.

– Biểu hiện của tiểu đường thai kỳ

+ Thai phụ thường xuyên thấy khát nước;

+ Thai phụ đi tiểu nhiều lần và số lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường;

+ Thai phụ bị sút cân, mệt mỏi;

+ Thai phụ bị nấm âm đạo;

+ Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu ở lần khám thai định kỳ cho thấy lượng đường trong máu cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

– Cách điều trị tiểu đường thai kỳ

+ Vận động thể dục nhẹ nhàng để tiêu hao năng lượng thừa;

+ Áp dụng thực đơn ăn riêng nhưng vẫn duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý theo hướng dẫn của bác sỹ;

+ Nếu có thể thai phụ cần phải tiêm thêm lượng insullin cần thiết để chuyển hóa hết lượng đường gluco đã dung nạp trong máu, nhưng phải tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng biện pháp hỗ trợ này. Tiểu đường thai kỳ nếu được kiểm soát tốt theo phác đồ điều trị của bác sỹ thì thai phụ vẫn có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

– Cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ

+ Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý để kiểm soát việc tăng cân thai kỳ đúng quy định;

+ Duy trì chế độ vận động hàng ngày để tiêu hao năng lượng thừa;

+ Thai phụ có tiền sử bệnh tiểu đường, béo phì cần phải khám trước khi mang thai để có biện pháp kiểm soát lượng đường thừa trong máu khi mang thai;

+ Thai phụ mang thai khi tuổi đã cao cần phải được khám và tư vấn trước khi mang thai và theo dõi lượng đường trong máu trong suốt quá trình mang thai.

Trên đây là hai tai biến sản khoa có thể mắc phải trong giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ. Việc áp dụng các biện pháp phòng tránh những tai biến này cũng sẽ giúp phòng tránh các tai biến khác xảy ra ở ba tháng cuối thai kỳ.

Quỳnh Tống

Tai biến sản khoa và các cách phòng tránh

Tai biến sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ và cách phòng tránh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook