Headphone (tai nghe) được xem là một trong số những vật dụng không thể thiếu của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, headphone cũng gây nhiều nguy hại, đặc biệt là nguy cơ gây điếc cho người sử dụng.
Headphone có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi
Ngày nay với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật công nghệ, hàng loạt các thiết bị hỗ trợ nghe nhạc cá nhân với chất lượng âm thanh “cực đỉnh” được tung ra thị trường. Đặc điểm của loại thiết bị này vừa gọn, nhẹ lại tiện lợi sử dụng nên các bạn trẻ thường sử dụng headphone để nghe nhạc, học ngoại ngữ, chat voice, nghe điện thoại… mọi lúc mọi nơi.
Người dùng có thể sử dụng headphone mọi lúc, mọi nơi. Ảnh minh họa
Một số nhân viên văn phòng dùng headphone để nghe nhạc và xem những clip từ các trang mạng trong hầu hết giờ giải lao; sinh viên chịu stress khi trải qua các kỳ thi, thích ngồi cà phê một mình và đeo headphone nghe nhạc rock với âm lượng hết cỡ để giải tỏa; nhiều người có sở thích vừa đi xe máy vừa đeo headphone nghe nhạc; không ít trường hợp đeo tai nghe trở thành thói quen mỗi lúc tiếp xúc với máy tính, đến cả trong lúc ngủ thì headphone vẫn “cắm” vào tai…
Xuất phát từ nhận thức tốt là không gây phiền đến người xung quanh, những trường hợp nói trên dùng headphone để thưởng thức thú vui theo cách của mình, muốn điều chỉnh âm lượng lớn bao nhiêu thì tùy thích. Nhưng việc này có thể dẫn đến tổn thương trầm trọng cho bộ phận thính giác và gây ra nhiều nguy hại khác cho người tiêu dùng.
Nguy hại không ngờ từ headphone
Trước đây, một thanh niên ở TP Hồ Chí Minh đã bị tàu hỏa cán chết khi đang đeo tai nghe, băng qua đường ray mà không quan sát. Hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra nếu nạn nhân có thể nghe thấy tiếng còi tàu hỏa để quan sát kỹ hơn. Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do chủ phương tiện đeo tai nghe khi tham gia giao thông. Nó vừa làm người tham gia giao thông mất tập trung khi điều khiển phương tiện, vừa làm họ không thể nghe được còi xe của phương tiện khác, cũng không nghe được tín hiệu điều khiển của CSGT…, báo An ninh thủ đô đưa tin.
Không chỉ nguy hại trước mắt mà việc thường xuyên đeo tai nghe với cường độ âm thanh lớn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác về lâu dài. Nếu trước đây chứng lão thính chỉ xuất hiện ở người già từ độ tuổi 60 thì nay, bệnh đang trẻ hóa, xuất hiện từ độ tuổi 30-40, trong đó có nguyên nhân từ thói quen nghe nhạc bằng headphone.
Sử dụng headphone quá nhiều sẽ gây hại cho thính giác. Ảnh minh họa
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Mỹ có khoảng 30 triệu bệnh nhân đang gặp những vấn đề về mất thính lực, lãng tai. Trong khi con số này ở Anh là 4 triệu người. Ở đây các bệnh nhân thừa nhận lý do là họ thường xuyên nghe nhạc với máy MP3 hoặc iPod với âm lượng lớn. Và việc điều trị chứng bệnh này dường như là không thể nên buộc bệnh nhân phải đeo máy trợ thính suốt đời.
Âm lượng từ máy hát qua headphone tuy nhỏ nhưng âm thanh lại áp sát tai nên dễ làm tổn hại thính lực. Theo BS Đỗ Hồng Giang, Phó khoa Thính học, BV Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh thì một sự vang âm quá mạnh trong ốc tai sẽ gây ra trạng thái kích thích, hậu quả là làm mệt thính giác. Sau đó, trầm trọng hơn là sự mất thính giác đối với những tần số cao. Đeo tai nghe để nghe nhạc liên tục có cảm giác như lỗ tai bị bít lại, ù tai hay chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân… Đó có thể là những biểu hiện của chấn thương âm thanh cấp tính, đe dọa chức năng thính giác.
Còn tiến sĩ Martine Hamann thuộc Đại học Leicester cho biết việc mở âm lượng quá cao trên headphone có thể phá hủy lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh, dẫn đến tình trạng điếc tạm thời.
Ngoài ra, những tế bào thần kinh chuyển tải tín hiệu điện từ tai đến não có một lớp phủ được gọi là bao myelin, vốn giúp các tín hiệu di chuyển dọc theo tế bào. Việc tiếp xúc với những tiếng ồn lớn (cường độ âm thanh trên 110 decibel), có thể làm cho các tế bào mất đi lớp bao myelin, làm gián đoạn các tín hiệu điện. Điều này có nghĩa là các dây thần kinh không thể chuyển tải hiệu quả thông tin từ tai đến não.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác được công bố bởi Tạp chí Dịch tễ học còn ghi nhận, việc thường xuyên chịu đựng tiếng ồn lớn còn là nguyên nhân hình thành khối u ở tai. Khối u phát triển chậm và theo thời gian nó sẽ đè lên các dây thần kinh sọ não làm mất đi khả năng nhận biết âm thanh.
Tạp chí Tim mạch châu Âu cũng cảnh báo, việc tiếp xúc nhiều với bất kỳ loại tiếng ồn nào (kể cả nhạc) bằng headphone hơn 2 giờ mỗi ngày còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ của bệnh tim mạch, huyết áp. Đáng lưu ý là đa phần các bệnh nhân không cảm thấy những dấu hiệu này ngay, mà phải mất vài năm mới phát hiện được.
Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia đối với những người có thói quen nghe nhạc bằng headphone là không nên vặn volume hết mức (chỉ nên vặn dưới 60%) và không nên nghe quá lâu (chỉ nên nghe khoảng 1 tiếng/ngày), đặc biệt không nên ngủ quên mà vẫn đeo tai nghe…
Chưa có bình luận.