Chủ Nhật, 06/09/2015 | 13:04

Tất cả thuốc điều trị cao huyết áp đều có chung một tác dụng là hạ huyết áp Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài, thuốc trị cao huyết áp có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn khác nhau.

Thuốc trị cao huyết áp không những làm thay đổi chức năng cơ thể mà còn làm ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, các cơ quan nội tạng, nhất là thận.

Chẳng hạn một nhóm thuốc dùng phổ biến trong điều trị cao huyết áp là chẹn beta (beta blockers): Gồm có propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol,… cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể beta giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc dùng cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực hoặc nhức nửa đầu. Chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm. Tuy nhiên sử dụng lâu dài sẽ làm giảm năng lực hoạt động của bệnh nhân.

Một loại thuốc hạ huyết áp nữa là nhóm thuốc ức chế men chuyển hóa angiotensin (ACE inhibitor – Angiotensin converting enzyme inhibitor). Nhóm thuốc này làm giảm huyết áp bằng cách làm giảm sự hoạt động của một số chất hóa học trong máu vốn làm căng thành mạch máu. Một loại thuốc thuộc nhóm này là Lisinopril có tác dụng phụ gây kích động, ho, choáng váng, mệt mỏi, đôi khi gây tăng nhịp tim hoặc gây ra nhịp tim bất thường.

Nhóm thuốc lợi tiểu: Gồm có hydroclorothiazid, indapamid, furosemid, sprironolacton, amilorid, triamteren… Cơ chế của thuốc là làm giảm sự ứ nước trong cơ thể, tức làm giảm sức cản của mạch ngoại vi đưa đến làm hạ huyết áp. Dùng đơn độc khi bị cao huyết áp nhẹ, dùng phối hợp với thuốc khác khi bệnh cao huyết áp nặng thêm. Cần có sự lựa chọn do có loại làm thải nhiều kali, loại giữ kali, tăng acid uric trong máu, tăng cholesterol máu.

Thêm một nhóm thuốc khác trị cao huyết áp là nhóm thuốc ức chế kênh calcium. Loại thuốc này dùng để giảm nhịp tim, tuy nhiên cũng gây nhức đầu, buồn nôn, táo bón, giữ nước cơ thể.

Còn đối với nhóm chẹn alpha (alpha blockers) Gồm có prazosin, alfuzosin, terazosin, phentolamin,… cơ chế của thuốc là ức chế sự giải phóng noradrenalin tại đầu dây thần kinh là chất sinh học làm tăng huyết áp, do đó làm hạ huyết áp tuy nhiên có thể gây nhức đầu, tim đập nhanh, làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, nếu sử dụng lâu có thể gây suy tim.

Một nhóm thuốc khác là thuốc giãn mạch (vasodilators) có tác dụng phụ gây sung huyết mũi, đau ngực, tim đập nhanh, sử dụng lâu ngày có thể gây tổn hại mô liên kết gây nên bệnh lupus.

Tóm lại, điều trị cao huyết áp là một công việc vô cùng khó khăn, muốn sử dụng thuốc một cách an toàn người bệnh cần đi khám và được bác sĩ điều trị kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc. Bác sĩ là người nắm vững tính năng các thuốc, khám bệnh trực tiếp sẽ lựa chọn thuốc thích hợp và hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc dùng thuốc. Sự lựa chọn thuốc trị cao huyết áp sẽ tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, có sự tổn thương các cơ quan (như suy thận, suy tim, dày thất trái,…), có kèm bị bệnh đái tháo đường hay không để có đơn thuốc thích hợp.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook