Thứ Sáu, 21/07/2017 | 05:20

Khi thấy mệt mỏi, sốt cao, không ít người đã vội vàng đi truyền dịch nhưng nếu bị bệnh sốt xuất huyết mà làm ngay sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh nhân nguy kịch sau khi truyền dịch

Khi bị mắc sốt xuất huyết, anh Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1965, tại Hải Phòng) đã được điều trị tại tuyến cơ sở bằng cách truyền tiểu cầu, nhưng không có xuất huyết tự nhiên. Sau khi truyền tiểu cầu, bệnh của anh Tuấn Anh ngày một nặng, nguy kịch tới tính mạng. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Anh Tuấn Anh nhập Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng phải nằm trên cáng không thể đi được, tiểu cầu chỉ còn 7 G/L.

 Anh Tuấn Anh cho biết: “Sau khi đi công tác ở Sài Gòn 1 tuần về thì tôi bị phát bệnh. Ngay sau khi sốt cao, tôi đã vào viện ở Hải Phòng để điều trị. Nhưng càng điều trị bệnh càng nặng nên tôi được chuyển ra Bạch Mai”.

Cũng giống như trường hợp của anh Tuấn Anh, chị Lê Thị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) được đưa vào bệnh viện Bạch Mai điều trị trong tình trạng khá nặng do tổn thương gan và thận. Bệnh nhân cho biết, do sốt cao và người đau nhức mỏi nên bệnh nhân có tự ý nhờ người tới truyền nước khiến cho tình trạng bệnh thêm nặng.

Sốt xuất huyết: Thấy mệt mỏi, sốt cao mà làm điều này dẫn đến nguy kịch lúc nào không hay

Bác sĩ Trà đang khám bệnh nhân Nguyễn Tuấn Anh.

TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều quan niệm sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết. Ví dụ nhưng trường hợp của bệnh nhân Tuấn Anh tự truyền tiểu cầu khiến cho tình trạng bệnh nặng.

“Khi bệnh nhân tới Bạch Mai, tiểu cầu chỉ còn 7 G/L- tuy nhiên người bệnh không có hiện tượng xuất huyết tự nhiên nên chúng tôi quyết định chưa truyền tiểu cầu mà để theo dõi sát sao. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đang bắt đầu tăng gần trở về mức bình thường, hết tràn dịch ổ bụng và có thể xuất viện trong chiều nay”, bác sĩ Trà nói.

Thời gian gần đây Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị điều trị sai dù đã được chẩn đoán là sốt xuất huyết. Không ít trường hợp được cho dùng thuốc corticoid để giảm đau chống viêm. Có nhiều trường hợp tự ý điều trị tại nhà bằng cách truyền nước, uống thuốc hạ sốt không đúng cách dẫn tới tổn thương chức năng gan thận.

Sai lầm thường gặp khi bị sốt xuất huyết

Theo TS. TS.BS Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Truyền Nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), có nhiều sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết. Do bệnh sốt xuất huyết trong những ngày đầu không có dấu hiệu đặc trưng nên dễ bị chẩn đoán sai với bệnh cúm, sốt mò, viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng, một số bệnh sốt do nhiễm vi rút khác. Ở phụ nữ có thai dễ bị nhầm với bệnh viêm tiết niệu, viêm tai giữa. Nếu chẩn đoán sai sẽ dẫn tới điều trị sai khiến cho bệnh tiến triển nặng hơn.

“Điều trị sai có thể dẫn tới biến chứng và tử vong. Không ít trường hợp dùng kháng sinh trong điều trị sốt xuất huyết.Thuốc kháng sinh không sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp bệnh nhân bác sĩ chẩn đoán sai nghĩ tới bệnh nhân viêm cho dùng thuốc corticoid (thuốc chống chỉ định trong điều trị sốt xuất huyết)” làm tăng nguy cơ chảy máu”, bác sĩ Cường nói.

Bác sĩ Cường khuyến cáo, khi bị sốt cao người dân không nên tự ý truyền nước tại nhà rất nguy hiểm. Tự ý truyền nước không đúng phác đồ điều trị sẽ gây ra phù phổi nguy hiểm cho tính mạng. Người bị sốt xuất huyết trên cơ địa đặc biệt như bệnh tim, suy thận, phổi tắc nghẽn truyền dịch không đúng làm bệnh sẽ nặng thêm thậm chí tử vong.

Việc dùng thuốc hạ sốt cũng cần phải lưu ý theo đúng chỉ định. Dùng sai thuốc hạ tốt sẽ gây ra hiện tượng suy gan suy thận. Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý tới vấn đề truyền đạm cho người bệnh sốt xuất huyết là không cần thiết. Hầu hết các ca bệnh nặng tới điều trị tại Bạch Mai đều điều trị tại các cơ sở tư nhân, không có chuyên khoa. Ngoài ra, việc người dân đi chữa thuốc lá nam, thuốc hạ sốt,  lợi tiểu… không rõ nguồn gốc nguy hiểm.

Ngọc Minh

 

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook