Thứ Ba, 27/10/2015 | 16:31

Cho rằng bệnh này chủ yếu ở trẻ em nên không ít người chủ quan với sốt xuất huyết. Do đó nhiều người khi nhập viện đã ở tình trạng sốc nặng dễ dẫn đến tử vong.

Người lớn dễ chủ quan

Sốt xuất huyết vốn là dịch bệnh được “gắn mác” cho bệnh nhi nên rất nhiều người lớn chủ quan, đặc biệt ở các vùng chưa bùng phát dịch. Chị Vũ Thị Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cho biết khi thấy có dấu hiệu sốt chị cũng chỉ nghĩ là cảm sốt bình thường do trời nắng nóng.

Bởi vậy chị Phương chỉ mua thuốc ở hiệu thuốc gần nhà mà không đến gặp y, bác sĩ. Nhưng sau ba bốn ngày, thấy sức khỏe không khá hơn mà còn bị tiêu chảy, nôn mửa có máu thì người nhà mới đưa chị vào viện. Tại đây, bác sĩ kết luận chị đã bị sốt xuất huyết độ 3, có biểu hiện sốc, không vào viện điều trị có thể đối diện với nguy cơ tử vong vì xuất huyết tiêu hóa nhiều.

Bác sĩ còn cho biết loại thuốc hạ sốt chị mua ở hiệu thuốc có chứa thành phần Aspirin rất nguy hiểm với bệnh nhân sốt xuất huyết. Nghe thế, người nhà của chị Phương chỉ biết há hốc miệng: “Cả khu nhà tôi đã có ai bị sốt xuất huyết đâu. Hôm trước chị ấy đi làm về nghĩ là trời nắng quá, sốt thường như mọi lần, chẳng khi nào nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết cả”.

Nằm tại Khoa Virus và Ký sinh trùng, chị Phương chỉ sang hai phòng bên cạnh và mấy chiếc giường bệnh ngoài hành lang: “Họ cũng bị sốt xuất huyết như chị đấy. Sau lần này thì cả nhà mới nhớ đến cái bệnh này mà đề phòng cho cả trẻ con lẫn người lớn. Thật sự chị cũng không biết bệnh này lại có thể nguy hiểm đối với người lớn đến vậy. Lúc mệt quá chị còn nghĩ chắc mình bị sốt siêu vi”.

Sốt xuất huyết không chừa người lớn

Ảnh minh họa

Theo BS. Nguyễn Tiến Lâm (Khoa Virus và Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương) thì sốt xuất huyết do một loại virus tên Dengue gây ra nên có triệu chứng gần giống như các sốt do virus khác. Cũng vì thế mà nhiều người chủ quan, đặc biệt người lớn thì nghĩ mình ít mắc nên điều trị không đúng bệnh. Về bản chất, sốt xuất huyết không quá nguy hiểm nhưng nếu điều trị không đúng có thể dẫn đến tử vong vì chúng gây ra tình trạng giảm tiểu cầu làm cho xuất huyết nhiều.

Nên nhiều biến chứng

Tình trạng chủ quan với bệnh là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân sốt xuất huyết. Bởi nếu cho là sốt thông thường, bệnh nhân có thể được truyền dịch, có thể dùng hạ sốt có thành phần Aspirin, Ibuprofen…

Nhưng đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, việc truyền dịch có thể gây ứ thừa dịch dẫn đến tràn dịch phổi và các thành phần thuốc hạ sốt thông thường hay gây ra hiện tượng khó cầm máu nên càng làm tăng thêm nguy cơ xuất huyết cho người bệnh gây suy tuần hoàn. Bởi vậy bệnh nhân dễ bị sốc, vào viện đã ở tình trạng nặng.

Các bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo rằng, người lớn mắc bệnh có thể nguy hiểm hơn trẻ em vì người lớn xuất huyết nhiều hơn (xuất huyết não, xuất huyết dưới da, âm đạo, đường tiêu hóa…).

Để hạn chế nguy hiểm

Bác sĩ Lâm khuyên mọi người muốn phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết cần chú ý các dấu hiệu:

– Sốt cao đột ngột, đau đầu nhiều, toàn thân và cơ khớp mệt mỏi

– Có dấu hiệu xuất huyết như chảy máu chân răng hay chảy máu mũi. Khi có các nốt chấm đỏ dưới da càng cần chú ý vì nhiều người chủ quan lại cho rằng đó là dấu hiệu sốt phát ban.

Khi sốt cao 2-3 ngày, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khám chữa bệnh. Với những người sống trong vùng đã có nhiều người mắc bệnh thì với những dấu hiệu trên cần nghi ngờ khả năng bị sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết diễn biến trong 4 cấp độ.

Bệnh nhân trong tình trạng cấp độ 1, 2 (không có biểu hiện sốc) có thể điều trị ở nhà bằng hạ sốt, uống nhiều nước, lau mát cơ thể bằng khăn lạnh. Nhưng tuyệt đối chỉ dùng hạ sốt Paracetamol. Nếu bệnh nhân thấy mệt lả, nôn mửa, tiêu chảy, chân tay lạnh, tiểu ít, mạch nhanh thì nên khẩn trương đưa đi cấp cứu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có 50-100 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết và khoảng 25.000 người trong đó tử vong. Việt Nam thuộc dạng có tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết cao, xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh Nam bộ. Nhưng tỷ lệ mắc bệnh này ở người lớn lại thường diễn ra ở miền Bắc nhiều hơn miền Nam. Sốt xuất huyết cũng thường gặp phải trong mùa từ tháng 4-11 khi mưa nhiều, ẩm thấp.

Đức Thành

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook