Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi đốt. Nhưng có nhiều bệnh nhân lại không thể hạ sốt bằng Paracetamol do dị ứng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới) cho hay, hiện nay trong điều trị sốt xuất huyết khuyến cáo chỉ dùng thuốc Paracetamol (Acetaminophen) để hạ sốt. Đây là loại thuốc hạ sốt duy nhất được cho là sử dụng an toàn cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Khi dùng loại thuốc này để hạ sốt thì cần phải chú ý tới liều lượng dùng theo từng lứa tuổi.
Bác sĩ Cấp cho biết thêm, nếu bệnh nhân mắc sốt xuất huyết bị dị ứng với thuốc hạ sốt Paracetamol sẽ tăng nguy cơ bị biến chứng nếu không hạ được sốt. Bởi vì, hiện nay chưa có loại thuốc hạ sốt nào thay được Paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết.
Hiện nay trong điều trị sốt xuất huyết khuyến cáo chỉ dùng thuốc Paracetamol (Acetaminophen) để hạ sốt. Đây là loại thuốc hạ sốt duy nhất được cho là sử dụng an toàn cho bệnh nhân sốt xuất huyết, ảnh minh họa.
“Người bệnh trong tình huống này chỉ còn cách dùng các biện pháp vật lý để hạ thân nhiệt. Nếu bệnh nhân sốt quá cao thì có thể chườm mát cho bệnh nhân, nằm nơi thoáng đãng, bù đủ lượng dịch cho bệnh nhân để tăng hiệu quả hạ sốt của thuốc. Bệnh nhân cũng có thể dùng các sản phẩm thuốc thảo dược thay thế hoặc những bài thuốc đông y tuy nhiên hiệu quả của các phương pháp dân gian này sẽ không cao”, bác sĩ Cấp nói.
Sốt là phản ứng của cơ thể chống lại bệnh tật. Nếu sốt nhẹ 37 – 38 độ chưa cần hạ sốt. Nhưng khi sốt cao thì bắt buộc phải dùng thuốc hạ sốt vì nó gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể, tăng nguy cơ co giật.
Theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai dịch sốt xuất huyết Hà Nội đang ở trong tâm điểm, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang ở trong tình trạng quá tải các bệnh nhân thường tới trong tình trạng nặng.
Để hạn chế những biến chứng của sốt xuất huyết, bác sĩ Cường khuyến cáo, khi bị sốt cao đột ngột nên đi khám để xác định có phải bị sốt xuất huyết hay không. Trong trường hợp uống thuốc hạ sốt tại nhà thì không dùng Aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Khi bị sốt xuất huyết bệnh nhân có hiện tượng chảy máu, nếu dùng Aspirin và ibuprofen ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút Dengue gây nên. Biểu hiện của bệnh thường là sốt cao liên tục, kéo dài trong vòng từ 2 đến 7 ngày. Sốt xuất huyết có thể tự khỏi nếu bệnh nhẹ, biết chăm sóc đúng cách.
TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo, thuốc Paracetamol hạ sốt tốt nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Tuy nhiên, do bệnh cảnh của bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, nếu dùng thuốc hạ sốt liên tục có thể gây ra tình trạng quá liều. Paracetamol sử dụng quá liều có thể gây tổn thương gan, làm nặng thêm rối loạn đông máu do suy giảm chức năng gan. Vì vậy, khi dùng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về thời gian và lượng dùng.
Trong trường bệnh nhân sốt cao liên tục, TS. Cường khuyên có thể dùng kết hợp với các biện pháp dân gian như lá diếp cá, nhọ nồi, rau má, nước râu ngô… Tuy nhiên, khi dùng cần phải biết rõ được nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết cần thực hiện 4 nguyên tắc sau:
– Hạ sốt đúng cách: Cho người bệnh uống thuốc hạ sốt, lau mát người bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
– Bù nước và chế độ dinh dưỡng hợp lý: Cho người bệnh uống nhiều nước, nước lọc, nước sôi, nước hoa quả (nước dừa, cam, chanh), nước cháo và nên uống oresol. Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng không nên kiêng khem quá mức
– Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng như đau bụng, chân tay lạnh, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen cần nghỉ ngơi và đưa đi cấp cứu.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.