Chủ Nhật, 22/11/2015 | 01:30

Hầu hết người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm ứng dụng tia UV diệt khuẩn ngày nay đều chỉ biết kiểm tra chất lượng bằng… niềm tin.

Ngay từ buổi đầu được phát hiện, tia cực tím (UV) đã được các nhà khoa học đặt cho cái tên khá dữ dằn: “ánh sáng phá hủy”. Có lẽ vì thế mà cho đến nay chỉ cần nghe nhắc đến 3 từ “tia cực tím” thì nhiều người đã liên tưởng ngay đến cảnh trời trưa nắng như thiêu như đốt hay những làn da trắng trẻo trở nên đen sạm vì nắng… Chỉ đến khi công nghệ ứng dụng tia cực tím bùng nổ thì con người để ý đến nó.

Sản phẩm ứng dụng tia cực tím (UV)

Ảnh minh họa

Tính hai mặt của tia cực tím

Tia cực tím (UV) được phát hiện vào năm 1801 bởi nhà khoa học người Đức tên Johann Wilhelm Ritter. Sau phát hiện này, những cuộc nghiên cứu tiếp theo cho thấy trong một dãy ánh sáng mặt trời có đến 3 nhóm tia sáng chính:

Nhóm UVA: Chiếm 97% trong dãy phổ có bước sóng từ 315-400nm. Tia này không gây ra hiện tượng cháy nắng nhưng cũng đủ gây thiệt hại cho các axit nucleic trong tế bào da. Chính phát hiện này đã mở đường đưa nhóm ánh sáng UVA này ứng dụng vào công nghệ thuộc da.

Nhóm UVB: Chỉ chiếm khoảng 3% dãy phổ, có bước sóng từ 280-315nm và chủ yếu xuất hiện trong khoảng thời gian từ 12-16h trong ngày. Tia này có khả năng gây cháy nắng, làm giảm khả năng sản xuất collagen và elastin trên da.

Nhóm UVC: Đây là loại có bước sóng ngắn nhất (chỉ từ 100-280nm) và cũng là loại có hại nhất. Tia sáng này có thể tiêu diệt acid nucleic trong các tế bào, phá hủy AND tồn tại trong các cơ thể sống… Với sức tàn phá không mệt mỏi này, UVC chính là thứ ánh sáng ma quái ám ảnh sự tồn tại và sự sống của loài người trên trái đất.

7 năm sau phát hiện thú vị của Johann Wilhelm Ritter, năm 1888, nhà khoa học, bác sĩ Niels Ryberg Finsen người Đan Mạch đã bắt đầu nghiên cứu những tác động của ánh sáng mặt trời và ánh sáng hồ quang.

Những kết quả nghiên cứu đã giúp ông phát hiện ra một số tia sáng có tác dụng diệt khuẩn và đã ứng dụng vào việc diệt vi khuẩn chữa bệnh. Năm 1903, công trình nghiên cứu về việc dùng tia UV diệt khuẩn thành công của Niels Ryberg Finsen đã được giới khoa học thế giới tưởng thưởng bằng giải Nobel Y học danh giá.

Đến giữa thế kỷ 20, cùng với sự bùng nổ về khoa học công nghệ, phương pháp tiệt trùng bằng tia cực tím (UVGI) đã được đưa vào thực hành trong công tác vệ sinh y tế và vô trùng phương tiện làm việc… Từ những ứng dụng thành công trong y tế, UVGI còn được giới khoa học các nước đưa vào ứng dụng cho công nghệ quốc phòng và công nghệ dân dụng…

Sản phẩm ứng dụng tia cực tím (UV)

Ảnh minh họa

Thời của tia UV

Công nghệ ứng dụng UVGI đã khiến các ông trùm sản xuất đồ dân dụng nhanh tay mở hầu bao đổ tiền vào các trung tâm nghiên cứu. Và họ đã được đền đáp với những cổ máy sấy bát, tủ lạnh, máy lọc nước, máy lọc không khí, máy hút mùi oto, máy lọc khí trong nhà…

Ứng dụng tia UV được ào ạt trình làng kèm theo những lời quảng cáo ấn tượng: có thể “hạ gục” nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm cho sức khỏe con người như E.coli, Pneumophila, Staphylococus, Influenza… là 99%, thậm chí đến 99.99%.

So với phương pháp diệt khuẩn bằng mớ hóa chất lích kích và dễ tồn dư chất như Chlorine và Ozone trước đây thì các cổ máy ứng dụng công nghệ tia UV diệt khuẩn này được sản xuất dựa trên phương pháp vật lý học gọn nhẹ.

Theo đó, nhà sản xuất sẽ chế tạo ra loại đèn có thể phát ra tia cực tím nhân tạo có khả năng diệt khuẩn. Khi nguồn nước, không khí hoặc vận dụng tiếp xúc với ánh sáng tím từ ngọn đèn này thì những vi khuẩn vi trùng bám theo đó sẽ bị tiêu diệt.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì phương pháp thanh trùng vật lý (tia cực tím, tia hồng ngoại…) tốt hơn phương pháp hóa học vì vậy chúng được khuyến khích sử dụng. TS. La Thế Vinh (Đại họcBách khoa Hà Nội) cho rằng xử lý bằng phương pháp vật lý sẽ không để lại tồn dư hóa chất. Mặt khác, thời gian tiếp xúc để diệt khuẩn bằng UV chỉ cần 1-3 giây trong khi diệt trùng bằng hóa chất mất 10-45 phút. Chính vì vậy, đèn UV được đưa ra thị trường đã nhanh chóng trở nên đình đám.

Đo chất lượng bằng… niềm tin

Sống trong một đất nước đang phát triển, người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng hưởng ứng trước những sản phẩm ứng dụng công nghệ mới có ích cho sức khỏe bản thân và gia đình mình.

Vì vậy, chỉ mất một thời gian ngắn sau khi nghe các công ty sản xuất giới thiệu về công dụng thần kỳ của các sản phẩm sử dụng tia cực tím diệt khuẩn, rất nhiều người đã phải “sái cổ” đi tìm cho được các sản phẩm có đèn UV diệt khuẩn để thay cho “thế hệ” tiệt trùng cũ như Chlorine, Ozone… và phần đông đều ngã ngữa ra khi nhận thấy nếu muốn an tâm dùng những sản phẩm này, họ chỉ có thể đặt niềm tin vào “độ trung thực” nhà sản xuất mà thôi!

Trong vai khách tìm mua sản phẩm ứng dụng tia UV, chúng tôi tìm đến công ty TNHH Phúc Nhung (175 Trương Vĩnh Ký, Q. Tân Phú, Tp. HCM) đang quảng cáo có bán nhiều sản phẩm ứng dụng đèn UV diệt khuẩn. Đích thân giới thiệu và hướng dẫn cho chúng tôi từng công dụng của dòng sản phẩm này là Giám đốc Nhung.

Quan sát thấy tất cả các mặt hàng ứng dụng công nghệ UV đều được dán tem chính hãng, chúng tôi hỏi chị Nhung về việc bảo hành. Chị cho biết, với dòng sản phẩm này, nhà phân phối sẽ sẵn sàng nhận lại hàng khi khách mua có thể chứng minh được sản phẩm không đạt chuẩn.

Tuy nhiên, khi được hỏi là làm thế nào để kiểm chứng được khả năng diệt khuẩn của sản phẩm thì chị Nhung có phần bối rối và nói: “Trên sản phẩm có tem bảo hành của nhà sản xuất và công ty chỉ lắp đặt. Khách hàng có thể mang mẫu nước hoặc mẫu vật dụng cần diệt khuẩn đi kiểm tra, nếu không đạt chuẩn thì trả lại”… Tất nhiên chi phí kiểm tra này đương nhiên thuộc về khách hàng chi trả. Như vậy có thể thấy rằng, khi sử dụng những sản phẩm ứng dụng công nghệ diệt khuẩn bằng tia cực tím này, khách hàng chỉ có hai lựa chọn:

1. Phải có lòng tin tuyệt đối vào “độ trung thực” của nhà sản xuất, nhà phân phối.

2. Nếu không có lòng tin thì hãy “vác” sản phẩm mình mua đi xếp hàng chờ kiểm định chất lượng, nếu đạt thì dùng, còn không đạt thì mang mớ giấy tờ chứng nhận đó đến yêu cầu nhà phân phối đổi cho sản phẩm mới. Sau đó tiếp tục “vác” sản phẩm được đổi lại đi kiểm định tiêu chuẩn tiếp…

Tại cửa hàng gia dụng Văn Hiến (Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội) bày bán rất nhiều sản phẩm ứng dụng UV diệt khuẩn như: máy lọc không khí đa chức năng; máy khử mùi, lọc không khí oto (L358-OT, V803…), máy lọc không khí MP300 (gia đình, khách sạn, văn phòng…).

Khi được hỏi làm sao kiểm nghiệm được khả năng diệt khuẩn của máy thì anh chủ cửa hàng Văn Hiến cũng nói: “Máy có tem bảo hành của hãng, còn khả năng diệt khuẩn thì theo… cảm nhận. Khi dùng máy lọc không khí, nếu không khí ô nhiễm thì đèn báo đỏ, khi không khí sạch thì đèn tắt”.

Anh Vũ Trần (Trần Quốc Thảo, Q.3, Tp. HCM) đã rất phân vân khi quyết định mua chiếc máy lọc không khí bằng tia UV, anh tâm sự: “Nghe quảng cáo là diệt được vi khuẩn thì mình tìm mua vì nhà có con nhỏ nên sợ phòng ô nhiễm. Nhưng khi đi mua thì mình cũng chỉ biết nghe người bán hàng nói đảm bảo thôi. Chứ cũng không biết thật hư đâu mà lần. Giá như mình có thể kiểm tra như mua cái nồi cơm điện thì cắm thử, mua cái siêu điện thì cho nước nấu thử luôn thì mình đỡ phập phồng biết mấy…”.

Bạn nên biết

– Dù sự hữu ích của công nghệ là có thật, nhưng người tiêu dùng cũng không nên quá kỳ vọng hóa các sản phẩm này mà chủ quan trong việc vệ sinh môi trường sống của mình.

– Khi đã sử dụng các sản phẩm dùng đèn UV thì nên thật cẩn trọng. Vì loại đèn này có chứa thủy ngân nên khi sử dụng để lọc nước, lọc không khí cần lưu ý, tránh để tiếp xúc khi chúng vỡ.

Đức Thành

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook