Thứ Ba, 01/09/2015 | 15:59

(Thông tin Sức khỏe).- Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus viêm gan B. Người nhiễm virus viêm gan B ở độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ gây viêm gan mạn tính hoặc ung thư gan sau này càng cao. Trẻ dưới 6 tuổi khi bị nhiễm virus viêm gan B hầu như đều dẫn tới viêm gan mạn tính. Việt Nam là 1 trong 9 nước tại Tây Thái Bình Dương được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao đáng báo động.

Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở nước ta khá cao, chiếm khoảng 10% – 20% dân số. Việc điều trị người viêm gan cũng rất tốn kém. Các chuyên gia ước tính, trung bình người nhiễm virus viêm gan B phải tiêu tốn khoảng 60 đến 200 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm và thời gian điều trị kéo dài từ 1 đến 2 năm.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh viêm gan B. Tiêm phòng vaccine đối với người chưa nhiễm virus viêm gan B được xem là biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh căn bệnh nguy hiểm viêm gan B hiện nay. Theo đánh giá của chương trình tiêm chủng của Mỹ, khoảng 80% trẻ bú mẹ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ khi sinh, 30% – 50% trẻ nhiễm trước 5 tuổi sẽ trở thành người mang virus mạn tính, trong khi đó ở người lớn nhiễm mới virus viêm gan B chỉ 6% – 10% có nguy cơ trở thành viêm gan mạn tính. Chính vì vậy, việc tiêm phòng bệnh viêm gan B được khuyến cáo áp dụng thường quy ngay khi sinh. Vaccine phòng viêm gan B đã được ghi nhận an toàn và có hiệu quả cao. Có thể có trường hợp phản ứng nhẹ sau khi tiêm như: cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm (khoảng 15% ở người lớn, 5% ở trẻ em), sốt nhẹ (khoảng 1% – 6%). Những phản ứng dị ứng cũng như biến chứng do vaccine này là rất hiếm như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), không có phản ứng phụ nào nghiêm trọng do vaccine viêm gan B gây ra.

Tổ chức Y tế khuyến cáo rằng tất cả trẻ đẻ ra cần được tiêm phòng vaccine viêm gan B càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh, tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu. Tiêm vaccine cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con (từ 80% – 85%). Nếu trẻ tiêm vaccine viêm gan B muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm, cụ thể nếu tiêm vaccine viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50% – 57%. Ngoài ra, tiêm vaccine viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt phòng lây truyền viêm gan từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu. Đây chính là thời gian vàng để có được hiệu quả bảo vệ cao nhất của vaccine viêm gan B trong phòng bệnh viêm gan B.

ĐẶNG QUANG TẤN
(Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook