Động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể xuất phát từ tim và cung cấp máu đến các bộ phận của cơ thể bao gồm sọ não, các tạng trong ổ bụng, chân, tay.
Thành động mạch chủ có 3 lớp, các bất thường thành động mạch chủ có thể bị giãn rộng, hoặc bị rách.
Phình tách thành động mạch chủ là hiện tượng rách lớp áo trong của thành động mạch làm cho dòng máu đi vào thành động mạch tạo ra hiện tượng lòng giả. Dòng máu đi vào lòng giả có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng như vỡ thành động mạch chủ, thiếu máu tạng, tử vong.
Tỷ lệ mắc phình tách động mạch chủ khoảng 1/100.000 mỗi năm. Tỷ lệ nam /nữ khoảng 1:1 đến 5:1.Tuổi thường gặp khoảng 50 – 70 tuổi rất hiểm gặp ở độ tuổi < 40.
Dấu hiệu nhận biết bệnh phình tách thành động mạch chủ
Triệu chứng lâm sàng rất đa dạng
– Hầu hết bệnh nhân có hiện tượng đau đột ngột, dữ dội ở bụng, lưng, được mô tả như dao đâm, lan ra sau lưng.
– Một số trường hợp có thể gặp các hiện tượng sau:
+ Hôn mê.
+ Thở nhanh nông.
+ Liệt chi, nói khó.
– Phình tách thành động mạch chủ là do sự yếu của thành động mạch, do huyết áp cao tác động đến tổ chức liên kết thành động mạch gây xé lớp trong của thành mạch.
– Tình trạng bẩm sinh có thể bị suy yếu và giãn của thành động mạch gặp trong hội chứng Marfan hoặc bệnh van động mạch chủ hai lá van.
– Một số trường hợp hiếm gặp tách thành động mạch chủ có thể do chấn thương vùng thành ngực như tai nạn giao thông.
Yếu tố nguy cơ bệnh phình tách động mạch chủ
– Tăng huyết áp không được kiểm soát: gặp trên 2/3 số trường hợp.
– Xơ cứng thành mạch (xơ vữa động mạch).
– Bệnh van động mạch chủ (van động mạch chủ hai lá van).
– Hẹp một phần động mạch chủ (bệnh hẹp eo động mạch chủ).
– Tuổi: Tỷ lệ tách thành động mạch chủ gặp nhiều nhất ở tuổi 50 – 70.
– Sử dụng cocain: Đây là loại thuốc có thể gây nguy cơ tách thành động mạch chủ do làm tăng huyết áp.
– Yếu tố di truyền có rối loạn tổ chức liên kết thành động mạch chủ bao gồm hội chứng marfan, ehlers – danlos, turner, loeys – dietz.
Chẩn đoán bệnh phình tách thành động mạch chủ
Triệu chứng của tách thành động mạch chủ có thể giống các bệnh tim mạch khác và bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng. Nghi ngờ tách thành động mạch chủ khi có các triệu chứng sau:
– Đau ngực xuất hiện đột ngột và dữ dội.
– Bóng của động mạch chủ rộng trên phim Xquang.
– Huyết áp hai tay khác nhau.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ phình tách thành động mạch chủ cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có khả năng phát hiện bệnh cao để chẩn đoán xác định như:
– Chụp cắt lớp vi tính.
– Chụp cộng hưởng từ.
– Siêu âm tim qua thực quản.
Tách thành động mạch chủ chia làm hai loại: phụ thuộc phần động mạch chủ bị tổn thương:
– Type A: Tách phần lên ngay khi xuất phát từ tim của động mạch chủ và có thể tách lan rộng lên trên và phần xa của động mạch chủ.
– Type B: Tách thành động mạch chủ ở phần xa hơn của động mạch chủ phía sau chỗ xuất phát của động mạch cấp máu cho tay trái.
Biến chứng bệnh phình tách thành động mạch chủ
Phình tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến:
– Tử vong do vỡ thành động mạch chủ dẫn đến mất máu cấp hoặc vỡ vào khoang màng ngoài tim gây chèn ép.
– Tổn thương các tạng do thiếu máu như suy thận , tắc mạch chi, hoại tử ruột…
– Làm tổn thương cấu trúc van động mạch chủ gây hở van động mạch chủ.
Điều trị bệnh phình tách thành động mạch chủ
Khi được chẩn đoán phình tách động mạch chủ cần phải được điều trị thuốc tối ưu ngay lập tức để kiểm soát chặt nhịp tim, huyết áp và giảm đau cho bệnh nhân. Phẫu thuật hay chỉ điều trị thuốc phụ thuộc các yếu tố sau:
– Tách type A: Tách thành động mạch chủ ngay phần lên của động mạch chủ cần được phẫu thuật cấp cứu để thay bằng đoạn động mạch chủ nhân tạo, một số trường hợp có thể phải kết hợp với thay cả van động mạch chủ nhân tạo.
– Tách thành động mạch chủ Type B. Vị trí tách ở phần động mạch chủ xuống phía sau chỗ xuất phát của động mạch cấp máu cho tay trái. Loại này khi có biến chứng vỡ, tắc mạch, đau nhiều hoặc huyết áp không kiểm soát được bằng thuốc cần phẫu thuật cấp cứu hoặc đặt Stent Graft ( Giá đỡ có phủ bề ngoài)
Thuốc điều trị:
– Tách thành động mạch chủ type B không có biến chứng có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc và theo dõi sát tình trạng bệnh nhân.
– Chẹn beta giao cảm làm giảm nhịp tim và hạ huyết áp có tác dụng làm giảm lực ép lên thành động mạch.
– Các thuốc hạ huyết áp khác sử dụng khi bệnh nhân có chống chỉ định với chẹn beta giao cảm hoặc đã sử dụng liều tối đa chẹn beta giao cảm mà không khống chế được huyết áp.
Dự phòng bệnh phình tách thành động mạch chủ
Điều quan trọng nhất để dự phòng phình tách động mạch chủ đó lá kiểm soát huyết áp:
– Kiểm soát huyết áp: nếu bạn bị tăng huyết áp bạn cần được kiểm soát tối ưu và có máy đo huyết áp tự động để kiểm tra thường xuyên.
– Không hút thuốc lá thuốc lào: nếu bạn đang hút bạn cần từng bước giảm dần và từ bỏ hút thuốc.
– Duy trì cân nặng tiêu chuẩn: thực hiện chế độ ăn có lợi cho sức và tập thể dục hàng ngày.
– Thắt dây an toàn khi tham gia giao thông: làm giảm nguy cơ tách thành động mạch chủ do chấn thương.
CNTTCBTG – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.